Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012


TRUYỆN “BÀ LÃO IZECGHIN” có xen vào hai truyền thuyết huyền thoại về nhân vật Lara vad Đankô.
Lara và Đankô – cả hai đều là những cá nhân hùng mạnh, đầy ý chí. Sức mạnh của L. là sức mạnh của chủ nghĩa cá nhân luôn luôn tìm mọi cách để chiến thắng vì khát vọng cá nhân, tách rời nhân dân, chống lại xã hội. L. là một kẻ tinh khôi, tàn bạo, khỏe mạnh và độc ác. Nó ko biết dòng dõi của nó. Nhưng người ta biết nó là con trai của một cô gái xinh đẹp bị một con đại bàng bắt về làm vợ, nó là giống người-nửa thú (con nhân điểu). Nó bắt chước cha (do dòng máu) bắt ép một cô gái, khi cô cự tuyệt, nó giết chết cô trước mặt mọi người. Nó bị trừng phạt, bằng cách thả cho tự do, ko ai thèm nói chuyện với nó. Nó bị ruồng bỏ, sống cô đơn khủng khiếp. Thậm chí khi nó xông vào mọi người để mong được họ đánh chết, mọi người đứng yên ko nhúc nhích, hoặc rạt ra, tránh xa nó. Nó phát điên lên, tìm mọi cách để tự sát nhưng ko đc. Nó tiếp tục lang thang, ko có cuộc sống và ko cả cái chết.
Còn Đ. Là một chàng trai ưu tú của bộ lạc. Chàng nhận nhiệm vụ dẫn đường cho mọi người xuyên qua rừng rậm tăm tối để tìm đường ra thảo nguyên mênh mông bao la. Rừng hoang mù mịt trong bão táo gầm thét. Đoàn người mệt lả, nản chí trong đêm tối hãi hùng. Họ quay ra kết tội chàng Đ. Với lời lẽ dữ dội và định giết chàng. Mặc cho Đ. giải thích, họ vẫn giận dữ như một bầy thú đói cùng đường. Trong tim anh bùng lên nỗi phẫn uất sục sôi, nhưng rồi lòng thương hại mọi người lại dập tắt ngọn lửa phẫn nộ ấy. Anh yêu họ và tìm cách cứu họ… Trái tim anh cháy rực lên át cả nỗi buồn rầu ảm đạm. Anh hét to: “Ta sẽ làm gì cho mọi người đây?”. Bỗng nhiên anh đưa tay xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra, giơ cao lên đầu. Trái tim sáng rực như mặt trời, cả khu rừng im lặng sáng lên như ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại. Bóng tối tan tác, run rẩy, nhào xuống… Đoàn người sửng sốt đứng trơ. Đ. hét lớn “đi thôi”, rồi vượt lên dẫn đầu, tay giơ cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người. Họ chạy xông lên theo anh, sung sướng, mê cuồng. Cảnh tượng kỳ diệu của trái tim lôi cuốn họ… Giông bão và rừng rậm bị bỏ lại phia sau. Trước mặt là thảo nguyên bừng sáng vì những giọt mưa chói lọi. Chàng Đ. kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn vùng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống và chết.
Nhân vật chính, bào lão Izecghin đóng nhiều vai trò trong truyện này. Bà là người kể chuyện-người truyền lửa cho đám thanh niên nam nữ lang thang đi làm thuê chỉ biết cúi đầu làm lụng suốt ngày và ban đêm thì tụ bạ hát hò, đùa nghịch… ko cần biết gì đến ngày mai, ko mơ ước… Bà đem cuộc đời sục sôi tình yêu và khát khao lẽ sống của mình kể biết bao lần cho đám thanh niên… Nhưng cuối cùng có một chàng trai trẻ hiểu ý bà-đó là Gorky.

Maxim Gorki
Bà lão Idecghin
1
Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi.
Một buổi tối, làm xong công việc hái nho thường ngày, toán thợ Mônđavi, trong đó có tôi cùng làm, đi về phía bờ biển, còn tôi và bà lão Idecghin ở lại dưới bóng lá dày đặc của những gốc nho, ngả mình trên mặt đất, lẳng lặng nhìn bóng dáng những người đi về phía bờ biển đang tan dần trong sương đêm xanh thẳm.
Họ vừa đi vừa cười, hát. Đàn ông nước da màu đồng hun, ria đen và lồng bồng, tóc xoăn, dày rậm, xõa đến vai, mặc áo vét ngắn và quần rộng ; đàn bà, con gái thì vui vẻ, uyển chuyển, mắt xanh thẫm, da cũng sạm nắng. Tóc họ đen nhánh và mượt như tơ, buông xõa. Gió ấm và nhẹ lùa vào tóc họ, làm những đồng tiền bện trong tóc kêu leng keng. Gió ào tới từng đợt lớn đều đặn, những đôi khi, nó dường như nhảy qua một vật gì vô hình và thốc mạnh, làm cho tóc những người đàn bà bay tung lên, phấp phới quanh đầu họ như những cỗ bờm kỳ dị. Những lúc như thế, nom họ có vẻ quái dị hoang đường. Họ mỗi lúc một rời xa chúng tôi, còn đêm tối và trí tưởng tượng dường như làm cho họ càng đẹp hơn.
Có người nào chơi vĩ cầm … một cô gái hát giọng trầm dịu dàng, có tiếng cười vui vẻ …
Không khí nhiễm đầy mùi hơi biển gay gắt và khí bốc nồng đậm của đất thấm đẫm nước mưa từ lúc gần tối. Lúc này, trên trời vẫn còn những mảng mây xốp nhẹ bay lang thang, hình thù và màu sắc kỳ dị, chỗ thì đường nét mềm mại như những luồng khói lam và xanh tro đang cuồn cuộn bốc lên, chỗ thì hằn rõ như những tảng đá đen mờ đục hoặc nâu. Giữa các mảng mây, những mảnh trời xanh ngời lên thứ ánh sáng dịu dàng, lấm tấm những vì sao óng ánh như vụn vàng. Tất cả những cái đó : âm thanh và mùi vị, mây và người đều đẹp và buồn lạ lùng, như mở đầu cho một câu chuyện cổ tích huyền diệu, mọi vật đều như ngừng sinh trưởng, chìm dần vào cõi chết. Tiếng nói ồn ào càng ra xa càng lặng đi, biến thành một tiếng thở dài não ruột.
-Sao anh không đi với họ ? - Bà lão Idecghin hất hàm hỏi.
Thời gian đã làm cho lưng bà lão cong gập xuống, cặp mắt xưa kia đen láy đã mờ đục và lúc nào cũng đẫm lệ. Giọng nói khô khan của bà lão nghe đến kỳ lạ, như tiếng xương va nhau lục cục.
-Tôi không thích. - Tôi trả lời bà lão.
-Ôi chao … Bọn người Nga các anh vừa sinh ra đã già lão. Lúc nào cũng càu quạu như quỷ sứ ấy … Con gái vùng tôi nó sợ anh đấy … Vậy mà anh trẻ khỏe thế kia …
Trăng đã lên. Vành trăng to tròn, đỏ như máu, dường như từ giữa lòng thảo nguyên ngoi lên, chốn thảo nguyên xưa kia đã ngốn bao nhiêu thịt người và uống bao nhiêu máu người, và hẳn là vì vậy mới trở nên màu mỡ và phì nhiêu như thế này. Bóng lá giống như những hình thêu ren, trùm lên người chúng tôi như một tấm lưới. Bên trái, bóng mây nhuốm ánh trăng xanh lướt trên thảo nguyên, mây trở nên trong hơn và sáng hơn.
-Xem kìa, Larra đang đi đấy !
Tôi nhìn về phía bàn tay run run với những ngón tay cong cong đang trỏ : ở đấy có những bóng mây đang lướt qua, rất nhiều bóng và một trong những bóng ấy tối và đậm hơn những bóng khác, lướt nhanh hơn, và thấp hơn - đó là bóng của một mảng mây trôi gần mặt đất hơn và nhanh hơn các mảng khác.
-Có ai đâu ! - Tôi nói.
-Anh mù hơn cả một bà lão như tôi. Xem kìa, hắn đen thẫm, đang chạy qua thảo nguyên đấy thôi !
Tôi lại nhìn và chẳng thấy gì, ngoài một bóng tối.
-Một bóng tối đấy chứ ! Tại sao cụ gọi nó là Larra ?
-Nó đấy ! Bây giờ nó như một bóng tối, mà nhất định phải thế thôi ! Nó đã sống hàng nghìn năm nay, mặt trời làm khô quắt than thể và máu xương nó, gió thổi tan tác hình hài nó. Chúa có thể hành hạ con người để trừng phạt tội kiêu ngạo của nó như thế đấy !
-Cụ kể cho tôi nghe câu chuyện ấy xảy ra như thế nào đi ! - Tôi nài bà lão kể, vì cảm thấy trước rằng đây là một trong những truyền thuyết tuyệt diệu của thảo nguyên. Và bà lão kể lại câu chuyện cổ tích ấy."
Từ bấy đến nay, đã bao nhiêu nghìn năm trôi qua rồi. Ở một miền xa, xa lắm, mãi bên kia biển, nơi mặt trời mọc, có một xứ có con sông lớn, ở đấy mỗi lá cây ngọn cỏ đều tỏa bóng rợp đủ cho con người tránh nắng, vì xứ ấy nắng dữ lắm !
Đất đai xứ ấy mới phì nhiêu làm sao !
Ở đấy có một bộ lạc hùng cường, họ chăn gia súc, dùng sức mạnh và lòng dũng cảm để săn thú dữ, và sau cuộc săn, họ ăn uống linh đình, ca hát và đùa bỡn với các cô gái.
Có lần, trong bữa tiệc, một cô trong đám thiếu nữ, một cô gái tóc đen, hiền dịu như đêm tối, bị một con đại bàng từ trên trời sà xuống quắp đi. Những mũi tên bọn đàn ông bắn vào chim đều lả tả rơi xuống đất, nom thực thảm hại. Thế là họ đâm bổ đi tìm cô gái, nhưng không sao tìm thấy. Rồi họ quên cô đi, như vẫn lãng quên mọi việc trên đời".
Bà lão thở dài và im lặng. Giọng nói sin sít của bà khiến tôi tưởng như đó là lời than vãn của tất cả những thế kỷ bị quên lãng nay nhập vào lồng ngực bà và hiện lên thành bóng dáng của những hồi ức. Biển dịu dàng họa lại đoạn mở đầu của một trong những truyền thuyết cổ xưa, có lẽ đã được sáng tạo trên vùng biển này.
"Nhưng hai mươi năm sau, cô gái tự dẫn thân trở về, kiệt quệ, héo hắt, cùng đi với cô là một chàng trai đẹp và khỏe như chính cô hai mươi năm xưa. Khi người ta hỏi bấy lâu nay cô ở đâu, cô liền thuật lại rằng đại bàng đã đem cô lên núi và ăn ở với cô như vợ chồng. Đây là con trai cô, cha nó đã qua đời, khi đại bàng cảm thấy sức lực đã suy yếu, nó bay vút lên trời cao lần cuối cùng, rồi cụp cánh, thả mình rơi xuống những mỏm đá núi nhọn hoắt và chết tươi tan xác …
Mọi người ngạc nhiên nhìn đứa con trai của đại bàng. Họ thấy nó cũng không có gì hơn họ, duy có đôi mắt nó lạnh lùng và kiêu hãnh như mắt chúa các loài chim. Họ nói chuyện với nó, còn nó thích thì nó trả lời, không thì nó lặng thinh. Khi các bậc già cả trong bộ lạc đến, nó nói chuyện với các cụ như với những người bằng vai. Như thế là làm nhục các cụ, và các cụ gọi nó là mũi tên cùng không có lông đuôi, bảo cho nó biết rằng hàng nghìn người như nó và hàng nghìn người tuổi tác gấp đôi nó còn phải kính trọng và tuân lời các cụ kia. Còn nó trân trân nhìn các cụ và trả lời rằng trên đời này, không đâu còn những người như nó nữa. Mọi người tôn kính các cụ thì mặc họ, chứ nó không muốn làm như họ. Ô, thế là các cụ nổi giận đùng đùng. Các cụ nổi giận và bảo nó :
-Nó không thể ở đây với chúng ta được ! Mặc cho nó xéo đi đâu thì xéo !
Nó bật cười và đi đến chỗ nó muốn tới : nó đến gần một cô gái xinh đẹp đang nhìn nó chằm chằm. Nó đến cạnh cô và ôm lấy cô. Nhưng cô là con gái một vị trưởng lão vừa kết tội nó. Và tuy nó đẹp trai, cô vẫn cự tuyệt nó, vì sợ cha. Cô cự tuyệt nó và lảng đi, còn nó đánh cô và khi cô ngã xuống, nó giậm chân lên ngực cô mạnh đến nỗi máu vọt ra qua miệng cô, cô gái thở hắt ra, quằn quại như con rắn và tắt thở.
Tất cả những người chứng kiến cảnh tượng ấy đều kinh sợ, bàng hoàng : lần đầu tiên có kẻ giết một người phụ nữ ngay trước mặt họ như vậy. Tất cả đều im lặng hồi lâu, nhìn cô gái nằm sóng sượt trên mặt đất, mắt mở trừng trừng, miệng ứa máu, và nhìn nó : nó đứng cạnh xác cô gái, một mình đối diện với tất cả mọi người, kiêu hãnh, không cúi đầu, dường như thách thức người ta trừng phạt nó. Rồi, khi đã định thần, người ta túm lấy nó, trói lại và mặc nó đấy, vì thấy rằng giết nó ngay lúc đó thì đơn giản quá và không hả dạ".
Đêm càng về khuya càng tối và tràn đầy những âm thanh êm dịu, lạ kỳ. Trên thảo nguyên, chuột rít lên những tiếng rầu rĩ, dế kêu rinh rích trong đám lá nho, lá cây thở dài và thầm thì với nhau, vầng trăng tròn vành vạnh, trước đỏ như máu, bây giờ càng ra xa trái đất càng nhợt đi và tỏa xuống thảo nguyên làn sương mù xanh lam mỗi lúc một dày đặc …
"Thế rồi họ họp nhau lại để tìm ra một hình phạt xứng đáng với tội ác .. Họ muốn cho ngựa xé xác nó, nhưng lại thấy hình phạt ấy vẫn còn nhẹ. Họ nghĩ tới việc mỗi người bắn vào nó một phát tên, nhưng rồi họ cũng bác bỏ cách ấy. Có người bàn nên thiêu sống nó, nhưng khói ở đống lửa bốc lên sẽ không cho họ thấy sự thống khổ của nó. Người ta đưa ra nhiều cách trừng phạt nhưng không có cách nào vừa ý tất cả mọi người. Còn mẹ nó quỳ trước mặt mọi người, im lặng, không còn đủ nước mắt và lời lẽ để van xin tha thứ cho nó. Họ bàn mãi, rồi một hiền giả lên tiếng, sau khi suy nghĩ hồi lâu :
-Ta hãy hỏi nó xem lại tại sao nó làm thế ?
Người ta hỏi nó. Nó nói :
-Cởi trói cho ta ! Bị trói thì ta không nói đâu !
Nhưng khi đã được cởi trói, nó hỏi :
-Các người cần gì ? - Nó nói hách dịch như họ là nô lệ của nó …
-Mày nghe thấy rồi đấy. - Bậc hiền giả nói.
-Ta cắt nghĩa hành động của ta cho các người nghe để làm gì ?
-Để chúng ta hiểu. Mày là thằng kiêu ngạo, nghe đây ! Đằng nào mày cũng chết. Vậy thì hãy giúp chúng tao hiểu việc mày đang làm. Chúng tao còn sống, chúng tao cần hiểu biết nhiều hơn những điểu chúng ta biết hiện nay, cái đó có ích cho chúng tao …
-Được, ta sẽ nói, tuy rằng bản thân ta có lẽ cũng chưa hiểu đúng câu chuyện đã xảy ra ! Ta giết cô ta hình như vì cô ấy cự tuyệt ta .. Mà ta lại cần cô ấy.
-Nhưng cô ấy có phải của mày đâu ! - Họ bảo nó.
-Thế các người chỉ dùng những gì các người có thôi ư ? Ta thấy rằng mỗi người đàn ông chỉ có tiếng nói, đôi tay và đôi chân là của mình thôi, vậy mà họ chiếm hữu các giống vật, chiếm hữu đàn bà và đất đai, cùng vô khối cái khác nữa …
Họ bảo với nó rằng tất cả những gì người đàn ông chiếm được thì đều phải đem bản thân mình ra trang trải : trang trải bằng trí tuệ và sức lực của mình, đôi khi cả tính mệnh nữa. Nó trả lời rằng nó muốn giữ gìn nguyên vẹn bản thân nó.
Họ nói với nó lâu lắm, và cuối cùng, họ thấy nó tự coi mình là người thứ nhất trên đời, và ngoài bản thân nó, nó không nhìn thấy gì nữa hết. Mọi người đều kinh sợ khi họ hiểu rằng nó đã tự hãm mình vào cảnh cô độc như thế nào. Nó không có bộ lạc, không có mẹ, không có gia súc, không có vợ và cũng chẳng muốn những thứ đó.
Khi đã thấy rõ điều đó, họ lại bàn nhau nên trừng phạt nó như thế nào. Nhưng họ bàn không lâu, vị hiền giả ban nãy vẫn để mặc cho họ bàn luận liền lên tiếng :
-Này thôi ! Có hình phạt đây rồi. Một hình phạt ghê rợn, các người có nghĩ một nghìn năm cũng không tìm ra được một hình phạt như thế. Cách trừng phạt nó ở ngay trong bản thân nó ! Hãy thả nó ra, cứ để cho nó được tự do. Đấy là hình phạt của nó !
Thế là liền xảy ra một việc vĩ đại. Một tiếng sấm gầm vang, mặc dầu trên trời không có mây đen. Đấy là các thần thánh trên thượng giới chuẩn nhận lời nói của bậc hiền giả. Mọi người rạp mình bái vọng và tản đi. Còn gã trai ấy - bây giờ có tên là Larra, nghĩa là kẻ bị ruồng bỏ, bị xua đuổi - cười ầm lên, nhìn theo những người đang bỏ gã mà đi, gã cười, ở lại một mình và sống tự do như bố gã. Nhưng bố gã không phải là người … Còn gã là người. Thế là gã bắt đầu sống phóng túng như con chim. Gã đến các bộ lạc và cuốm gia súc, bắt cóc các cô gái : cướp tất cả những gì gã muốn lấy. Họ bắn vào gã, nhưng tên không thể xuyên vào người gã, vì gã được che chở bởi một lớp vỏ bọc vô hình của hình phạt tối cao. Gã khéo léo, tham tàn, dũng mãnh, hung bạo và không bao giờ dàn mặt mọi người. Người ta chỉ thấy gã từ xa. Suốt bao lâu, Larra cứ đơn độc một mình, quanh quẩn gần mọi người, nó sống rất lâu như vậy, hàng mấy chục năm trời. Nhưng có lần, nó đến gần mọi người, và khi họ xông vào nó thì nó đứng yên không nhúc nhích, không hề tỏ ý định tự vệ. Thế là một người trong bọn họ đoán ra và thét lớn :
-Đừng động đến nó ! Nó muốn chết đấy !
Mọi người dừng lại, không muốn giảm nhẹ số phận của kẻ đã làm hại họ, không muốn giết nó. Họ dừng lại và cười nhạo nó. Còn nó run lên khi nghe tiếng cười của họ, hai tay túm lấy ngực, tìm kiếm cái gì trên ngực, bỗng nhiên nó nhặt một hòn đá và xông vào họ. Nhưng họ dạt cả ra tránh nó và không đánh nó một cái nào, rồi khi nó mệt lả, thét lên một tiếng ai oán và ngã vật xuống đất thì họ lùi ra xa đứng nhìn nó. Nhưng nó bỗng đứng lên, nhặt lấy con dao không rõ của ai đã đánh rơi trong lúc xô xát với nó, và tự đâm vào ngực. Nhưng con dao gãy gập như đâm phải đá. Nó lại ngã nhào xuống và cứ đập đầu xuống đất mãi. Nhưng đất tránh né nó, lún sâu xuống mỗi khi đầu nó đập xuống.
-Nó không thể nào chết được ! - Mọi người sung sướng nói.
Họ kéo nhau đi, bỏ mặc nó. Nó nằm ngửa mặt lên trời và thấy những con đại bàng dũng mãnh lượn tít trên trời cao như những chấm đen nhỏ. Cặp mắt nó chứa chất biết bao buồn khổ, tưởng chừng có thể đủ để đầu độc cả nhân loại. Thế rồi từ đấy, nó vẫn cô độc một mình, tự do và chờ đợi cái chết đến với nó. Cho đến giờ nó chỉ còn là cái bóng và sẽ như vậy mãi mãi. Nó không hiểu cả tiếng nói lẫn hành động của mọi người, nó chẳng hiểu gì cả. Nó vẫn tìm kiếm, đi lại đây đó… Nó không có cuộc sống, cái chết cũng không rước nó đi. Nó không có chỗ dung thân giữa mọi người. Đấy, một con người bị trừng phạt về tọi kiêu ngạo như thế đó !"
Bà lão thở dài, im lặng, đầu gục xuống ngực, lúc lắc mấy cái nom đến kì dị.
Tôi nhìn bà. Tôi thấy hình như bà lão buồn ngủ. Không hiểu sao tôi bỗng xót xa thương bà. Đoạn cuối câu chuyện, bà kể bằng một giọng rất thống thiết, đầy hăm dọa, vậy mà tôi vẫn cảm thấy một âm thanh sợ sệt, nô lệ.
Trên bờ biển có tiếng hát vang lên, tiếng hát kì dị. Thoạt đầu là một giọng nữ trầm cất lên hai ba âm thanh, rồi đến một giọng khác lại từ đầu vẫn bài ấy, nhưng giọng thứ nhất luôn luôn đi trước giọng thứ hai … giọng thứ ba, thứ tư, thứ năm bắt vào khúc hát vẫn theo trình tự ấy. Bỗng nhiên, những giọng nam hợp xướng nổi lên, vẫn bài đó, và hát lại từ đầu.
Một giọng nữ lanh lảnh nghe tách bạch hẳn, ta có thể mường tượng đó là những dòng suối muôn màu từ trên cao đổ xuống các khối đá, reo rắt vọt tung lên hòa vào làn sóng giọng nam dày đặc đang nhịp nhàng cuộn lên, chìm ngập trong làn sóng đó, rồi lại bứt ra át hẳn mọi âm thanh ấy, giọng này tiếp giọng kia, lại vút lên cao, trong trẻo và mạnh mẽ.
Tiếng hát át hẳn tiếng sóng …
2
-Anh có nghe thấy ở đâu người ta còn hát như thế không ? - Bà lão Idecghin vừa hỏi vừa ngẩng đầu lên và cái miệng móm mém mỉm cười.
-Không, tôi chưa bao giờ nghe thấy …
-Và sẽ không bao giờ được nghe thấy nữa. Chúng tôi thích hát. Chỉ những người đẹp là những người ham sống. Chúng tôi ham sống. Anh tưởng những người đang hát ở kia không mệt mỏi sau một ngày vừa qua sao ? Chớ tưởng lầm như vậy ! Họ làm việc từ lúc mặt trời mọc cho tới hoàng hôn, bây giờ trăng đã lên mà họ vẫn ca hát. Những kẻ không biết sống thì đã đi ngủ rồi. Những người yêu đời vẫn ca hát, anh thấy đấy.
-Những sức khỏe .. - Tôi toan nói.
-Sức khỏe bao giờ cũng đủ dùng suốt đời. Sức khỏe ! Nếu anh có tiền, anh lại không tiêu tiền chăng ? Sức khỏe cũng là vàng. Anh có biết thời trẻ tôi đã làm gì không ? Tôi dệt thảm từ sáng tinh mơ cho đến chiều hôm, gần như không hề đứng lên. Tôi lanh lợi như một tia sáng mặt trời, vậy mà cứ phải ngồi lì một chỗ như tảng đá. Tôi ngồi đến nỗi đôi khi xương cốt kêu răng rắc. Vậy mà cứ tối đến là tôi chạy đến với người yêu để ôm hôn chàng. Ba tháng ròng như thế, suốt thời gian chúng tôi yêu nhau. Hồi ấy, đếm nào tôi cũng đến với chàng. Thế mà tôi sống đến ngần này tuổi rồi đây : khí lực sung túc lắm đấy chứ ! Tôi đã yêu biết bao nhiêu người ! Tôi đã cho và nhận bao nhiêu cái hôn !
Tôi nhìn mặt bà lão. Cặp mắt đen của bà vẫn mờ đục, hồi ức không làm cho cặp mắt ấy linh hoạt lên. Ánh trăng rọi sáng cặp môi khô nứt nẻ của bà, rọi sáng cái cằm nhọn vêu vao dính những sợi tóc bạc và cái mũi nhăn nheo khoằm xuống như mỏ cú. Hai má trũng xuống thành hai hõm đen : từ dưới tấm khăn đỏ, như miếng giẻ rách quấn quanh đầu, một mớ tóc màu tro xõa ra, dính bết vào bên hõm má. Da mặt, da cổ và da tay chằng chịt nếp nhăn nom như những vết khía và mỗi khi bà lão cử động, tôi cứ tưởng như làn da khô héo ấy sẽ rách tơi tả, bong xuống từng mảnh và trước mắt tôi sẽ hiện lên bộ xương trần trụi với hai hốc mắt đen ngòm, đờ đẫn.
Bà lão lại bắt đầu kể chuyện, bằng cái giọng lạo sạo của mình :
-Dạo ấy tôi sống với mẹ ở Fanmi, ngay trên bờ sông Buôclai. Khi anh ấy đến xóm tôi thì tôi mười lăm tuổi. Anh ấy cao lớn, thân hình mềm dẻo, ria đen, vui tính. Anh ấy ngồi trong thuyền và cất giọng sang sảng, thét vọng vào cửa sổ gọi chúng tôi : "Này, các người có rượu nho … và cái gì cho tôi chén với không ?" Tôi nhìn ra cửa sổ và qua những cành tần bì, tôi thấy : cả dòng sông xanh biếc dưới ánh trăng, anh mặc sơ mi trắng, chiếc thắt lưng rộng bản buông thõng hai đầu xuống một bên sườn, một chân anh đứng trong thuyền, chân kia ghếch lên bờ. Anh lắc lư và hát một điệu gì không rõ. Thấy tôi, anh nói : "Chà, ở đây có cô em xinh đẹp quá đi mất ! Thế mà ta chẳng biết gì cả ! " Cứ như là trước khi gặp tôi, anh đã biết tất cả con gái đẹp trên đời rồi không bằng ! Tôi đem rượu nho và thịt lợn luộc cho anh … Rồi bốn ngày sau, tôi đã hiến cả con người tôi cho anh … Đêm nào chúng tôi cũng xuống thuyền đi chơi với nhau. Anh đến, huýt sáo khe khẽ như tiếng chuột nhảy, còn tôi nhảy qua cửa sổ xuống sông như một con cá … Thế rồi chúng tôi cho thuyền đi … Anh là một tay chài lưới ở Prut, về sau, khi mẹ tôi đã biết hết mọi chuyện và giọt cho tôi một trận nên thân thì anh luôn luôn dỗ tôi đi với anh đến Đôbrutja và đi xa hơn nữa, tới cửa sông Đanuyp. Nhưng lúc ấy tôi không thích anh nữa rồi : anh chỉ biết ca hát và ôm hôn tôi, ngoài ra không còn gì nữa ! Tôi đã chán anh rồi. Hồi ấy có một đoàn người Guxun kéo đến vùng này, và trong bọn họ có những tay đáng yêu … Bọn họ sống đến là vui. Có một cô gái nọ đang chờ đợi chàng trai hiên ngang của mình (chàng là người xứ Cacpát). Cô cứ tưởng anh đã vào tù hoặc bị giết trong một cuộc ẩu đả ở đâu đó, vậy mà bỗng nhiên chàng vụt đến với cô, như từ trên trời rơi xuống, đi một mình hay với hai ba người bạn. Chàng mang đến cho cô những món quà sang trọng : thứ gì họ cũng kiếm được một cách dễ dàng thôi mà ! Chàng ăn uống linh đình ở nhà cô, hãnh diện về cô trước các bạn mình. Cô thích thú về chuyện đó. Tôi nhờ một cô bạn hiện đang có chàng Guxun giới thiệu họ cho tôi … Tên cô ấy là gì ? Tôi quên mất rồi … Bây giờ tôi bắt đầu quên hết mọi việc trên đời. Từ bấy đến nay đã bao lâu rồi, mọi việc đều quên ráo cả. Cô ta giới thiệu cho tôi một anh chàng giỏi trai. Anh chàng khá xinh … Đầu tóc anh đỏ, cái gì cũng đỏ hoe : cả ria lẫn những búp tóc xoăn ! Một cái đầu rực lửa ! Dáng dấp anh buồn rười rượi, khi thì anh âu yếm, khi thì gầm thét và ẩu đả như thú dữ. Có lần anh đánh vào mặt tôi … Còn tôi nhảy chồm vào ngực anh như một con mèo, cắn ngập răng vào má anh … Từ đó, trên má anh có một lỗ trũng, và khi tôi hôn vào cái lỗ trũng ấy thì anh thích lắm …
-Thế còn anh thuyền chài, anh ta đi đâu ? - Tôi hỏi.
-Anh thuyền chài, hả ? Anh ta … vẫn ở đấy. Anh ta nhập bọn với cánh Guxun. Thoạt tiên, anh ta vẫn cứ dỗ dành tôi và dọa quẳng tôi xuống sông, nhưng rồi cũng không có chuyện gì cả, anh ta nhập bọn với họ, kiếm được một cô khác … Cả hai anh bạn của tôi - anh thuyền chài và anh Guxun ấy - cùng bị treo cổ một lúc. Tôi có đi xem họ bị treo cổ. Chuyện đó xảy ra ở Đôbrutja. Khi đi ra chỗ xử tội, anh thuyền chài mặt tái mét, khóc lóc, còn anh Guxun thì phì phèo tẩu thuốc. Anh đi ung dung như thường và hút thuốc, hai tay đút túi quần, một bên ria mép ngả xuống bên vai, nhánh kia thõng trước ngực. Thấy tôi, anh nhả tẩu thuốc ra và lớn tiếng gọi tôi : "Vĩnh biệt ! …" Tôi thương tiếc anh suốt một năm trời. Chuyện đó xảy ra lúc họ định về quên ở Cacpát. Trước khi đi, họ đến thăm một người Rumani để từ biệt. Họ bị bắt ở đó. Chỉ có hai người bị bắt, còn thì mấy người bị giết, những người khác trốn thoát … Sau đó họ đã trả thù gã người Rumani kia … Họ đốt trại, đốt nhà xay bột, đốt hết lúa mì của hắn. Hắn trở thành ăn mày.
-Cụ làm việc ấy chứ gì ? - Tôi đoán già đoán non.
-Bọn Guxun thiếu gì bạn bè, không phải chỉ có mình tôi … Người nào là bạn thân nhất của họ, người ấy rửa hờn cho người khuất bóng …
Tiếng hát trên bờ biển đã im bặt, bây giờ chỉ có tiếng sóng biển ì ầm hòa nhịp với bà lão : tiếng sóng tư lự và sôi nổi hòa điệu tuyệt diệu cho câu chuyện về một cuộc đời sóng gió. Đêm mỗi lúc một êm dịu hơn, ánh trăng xanh ngời tỏa chiếu càng rộng khắp trong đêm, còn những âm thanh mơ hồ phát ra từ cuộc sống tất bật của những cư dân vô hình của đêm tối cứ khẽ dần đi, bị át trong tiếng sóng biển rì rào mỗi lúc một tôi … vì gió mỗi lúc mọt mạnh.
-Sau đó tôi còn yêu một anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Tôi ở trong khuê phòng của anh ta ở Xkutari. Tôi sống ở đó suốt một tuần, cũng tạm được … Nhưng rồi tôi đâm chán … lúc nào cũng chỉ thấy đàn bà là đàn bà … Anh ta có tám ả … Suốt ngày họ chỉ ăn, ngủ và tán chuyện lăng nhăng … Hay chửi nhau, quang quác cái mồm lên như những con gà mái. Anh ta không còn trẻ nữa, cái anh Thổ Nhĩ Kỳ ấy. Tóc gần bạc hết, nghiêm trang rất mực và giàu có. Nói năng như đấng chúa tể .. Mắt đen .. đôi mắt thẳng thắn .. nhìn thẳng vào tâm hồn người ta. Anh rất thích cầu nguyện. Tôi gặp anh ở Bukaresti … Anh đi đi lại lại trong chợ như một ông vua, xem xét mọi cái với vẻ trang nghiêm, rất đỗi trang nghiêm. Tôi mỉm cười với anh. Ngay chiều hôm đó, người ta chộp lấy tôi ở ngoài phố và đưa lên xe, đưa đến nhà anh. Anh buôn bạch đàn và dừa, còn anh đến Bukaresti mua cái gì thì không rõ. "Cô em đến Thổ Nhĩ Kỳ với ta chứ ? " - anh hỏi. "Ồ vâng, em xin đi với chàng !" "Tốt lắm !". Thế là tôi đi. Anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ ấy giàu có lắm. Anh ấy có một đứa con trai, thằng bé ngăm ngăm đen, rất mềm mại … Nó mười sáu tuổi. Tôi cùng với nó trốn khỏi nhà anh Thổ Nhĩ Kỳ ấy … Tôi trốn sang Bungari, đến Lôm-Palanka … Ở đấy, tôi bị một ả Bungari cho một nhát dao vào ngực, ả ghen về chồng chưa cưới hay chồng ả, tôi cũng không nhớ nữa.
Tôi ốm, nằm một thời gian trong tu viện. Một tu viện phụ nữ. Một cô gái chăm sóc tôi, cô ta người Ba lan, cô có người anh ở mọt tu viện khác - tôi còn nhớ là ở gần Acse-Palanka - anh vẫn lui tới thăm cô, anh cũng là một thầy tu … Anh ta .. cứ uốn éo làm duyên làm dáng trước mặt tôi như con sâu ấy .. khi tôi khỏe hẳn, tôi bỏ ra đi với anh … sang nước Ba lan của anh.
-Hượm đã ! Thế thằng bé Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ đâu rồi ?
-Thằng bé ấy à ? Thằng bé ấy nó chết rồi. Vì nhớ nhà hay vì tình thì không rõ .. Nó héo quắt đi như cái cây nhỏ non yếu, bị nắng rọi quá nhiều .. nó cứ héo quắt mãi đi .. tôi nhớ, nó nằm trên giường, người đã trong vắt và xanh nhợt như tảng băng, vậy mà tình yêu vẫn rực cháy trong người nó .. Nó vẫn nài tôi cúi xuống và hôn nó .. Tôi đã yêu nó và tôi còn nhớ tôi đã hôn nó rất nhiều .. Rồi nó suy kiệt hẳn, gần như không cử động được nữa. Nó nằm trên giường và kêu van thảm thiết như một thằng ăn mày xin bố thí, nài tôi nằm xuống cạnh nó và sưởi ấm cho nó. Tôi nằm xuống. Tôi vừa nằm xuống với nó .. thì toàn thân nó lập tức nóng rực lên như lửa. Một hôm, tôi thức dậy thì nó đã lạnh ngắt .. nó chết rồi .. Tôi khóc thương nó. Biết nói thế nào được ? Có lẽ chính tôi đã giết nó. Lúc ấy tuổi tôi gấp đôi tuổi nó. Tôi khỏe mạnh như thế, dồi dào sức sống như thế .. còn nó, nó là cái gì ? … Một thằng nhóc !
Bà lão thở dài, và làm dấu thánh ba lần - lần đầu tôi thấy bà cụ làm dấu - mấp máy cặp môi khô, lẩm bẩm câu gì không rõ.
-Thế rồi cụ sang Ba lan .. - Tôi nhắc.
-Phải … đi với gã Ba lan nhỏ nhắn ấy. Gã là một kẻ lố bịch và đê tiện. Khi cần đàn bà thì gã quấn quít lấy tôi như con mèo, và từ lưỡi gã tuôn ra một thứ mật ngọt nóng hừng hực, nhưng khi gã không thèm muốn tôi thì gã nói tôi đâu như roi quất. Có lần, chúng tôi đi trên bờ sông, thốt nhiên gã nói một câu hợm hĩnh xúc phạm đến tôi ! Ôi chao ! … Tôi giận điên lên ! Tôi sôi lên như thùng nhựa nấu ! Tôi nhấc bổng gã lên như đứa trẻ - người gã nhỏ bé - tôi bóp chặt hai cạnh sườn gã, đến nỗi gã tái nhợt đi. Thế rồi tôi lấy đà quăng gã xuống sông. Gã kêu gào. Gã kêu gào đến là tức cười. Tôi đứng trên bờ nhìn gã, còn gã không vùng vẫy dưới nước. Thế là tôi bỏ đi. Từ đấy, tôi không bao giờ gặp gã nữa. Tôi có may mắn như vậy đấy : không bao giờ gặp lại những người mà tôi đã từng yêu. Đấy là những cuộc gặp gỡ tệ hại, chẳng khác gì gặp lại những người đã chết.
Bà lão im lặng, thở dài. Tôi tưởng tượng ra những người mà bà lão gợi lại trong ký ức. Đây là chàng Guxun râu tóc đỏ rực như lửa, ria mép vắt vẻo, đang đi đến chỗ chết mà vẫn điềm nhiên phì phèo tẩu thuốc. Hẳn là anh có cặp mắt xanh biếc lạnh lùng, nhìn mọi vật một cách chăm chú, cương quyết. Bên cạnh anh là gã thuyền chài xứ Prut, ria đen ; gã khóc lóc và không muốn chết, và trên khuôn mặt tái mét, đau buồn vì sắp phải từ giã cuộc đời, cặp mắt vui vẻ mờ đi, bộ ria mép đẫm nước mắt rũ xuống hai bên cái miệng méo xệch, nom mới buồn thảm làm sao. Còn đây là lão già Thổ Nhĩ Kỳ trang nghiêm, chắc hẳn là một người tin ở định mệnh và chuyên chế, cạnh lão là con trai lão, bông hoa bé nhỏ, nhợt nhạt và mảnh mai của phương đông, đã bị đầu độc vì những chiếc hôn. Còn đây là anh chàng Ba lan háo danh, vừa thanh lịch vừa tàn nhẫn, vừa khéo nói vừa lạnh lùng … Tất cả bọn họ chỉ là những cái bóng nhợt nhạt, còn người đàn bà mà họ đã ôm hôn thì đang ngồi cạnh tôi, một con người sống, nhưng thời gian đã làm cho héo hắt đi, không còn thân hình, không còn khí huyết, lòng không ham muốn, mắt không còn những tia sáng linh lợi, cũng gần như một cái bóng.
Bà lão kể tiếp :
-Ở Ba Lan, tôi sống khó khăn lắm. Người nước này lạnh nhạt và dối trá. Tôi không biết thứ tiếng rin rít như tiếng rắn phun của họ … Người nào nói cũng rít lên. Sao họ lại rít lên như thế nhỉ ? Chúa ban cho họ thứ tiếng rin rít của loài rắn là bởi họ hay dối trá. Hồi ấy tôi cứ đi mà chẳng biết là đi đâu, tôi thấy họ tụ tập nhau nổi lên chống lại người Nga các anh. Tôi đi đến thành phố Bôcnia. Một gã Do Thái bỏ tiền ra mua tôi, không phải mua cho gã, mà để dùng tôi làm món hàng buôn bán. Tôi cam chịu cảnh ngộ ấy. Muốn sống được thì phải biết làm một việc gì. Tôi chẳng biết làm gì bởi thế tôi đành bán thân nuôi miệng. Nhưng lúc ấy, tôi nghĩ rằng hễ kiếm được ít tiền đủ để về quê nhà ở Buôclat là tôi sẽ dứt bỏ xiềng xích, dù là kiên cố đến mấy đi nữa. Vậy là tôi ở lại đấy. Khách của tôi là những pan giàu có, chúng chơi bời chè chén ở nhà tôi. Chúng phải trả giá đắt về những cuộc ăn chơi đó. Chúng đánh nhau, khuynh gia bại sản vì tôi. Có một tên trong một thời gian dài vẫn cố giành lấy tôi cho riêng mình hắn và một hôm, hắn làm thế này : hắn đến, mang theo tên gia nhân vác một cái bao tải. Tên pan hai tay cầm lấy bao tải và dốc ngược trên đầu tôi. Những đồng tiền vàng túa ra, đập xuống đầu tôi, và tôi vui thích nghe thấy tiếng tiền vàng rơi loảng xoảng xuống sàn nhà. Những mặc dầu vậy, tôi vẫn tống cổ tên quý tộc đó đi. Nó có cái mắt bự thịt, thô kệch, còn bụng thì cứ như cái gối to phồng. Nom nó như con lợn ỉn ăn no. Phải, tôi đã tống khứ thằng cha đó đi ; mặc dù nó nói rằng nó đã bán hết đất đai, nhà cửa, ngựa nghẽo để rắc vàng lên khắp người tôi. Hồi đó, tôi yêu một pan xứng đáng, mặt đầy vết chém. Mặt anh đầy vết chém ngang dọc vì những nhát gươm của bọn Thổ Nhĩ Kỳ : trước đó ít lâu, anh đứng về phía người Hy Lạp đánh lại chúng. Đấy mới thật là con người ! … Người Hy Lạp thì thân thiết gì với anh, anh là người Ba Lan kia mà ? Nhưng anh ra trận, cùng họ chống lại kẻ thù của họ. Anh bị chúng đâm chém, lòi một mắt, bàn tay trái mất hai ngón … Người Hy Lạp thì thân thiết gì với anh, anh là người Ba Lan kia mà ? Duyên do là thế này : anh thích làm nên chuyện phi thường. Và khi một con người ưa thích làm nên chuyện phi thường thì bao giờ người đó cũng biết lập kỳ công và sẽ tìm được chỗ có thể làm chuyện đó. Anh biết không, trong cuộc sống bao giờ cũng có chỗ để làm nên sự nghiệp phi thường. Còn những kẻ không tìm được cơ hội để lập nên kỳ công thì chỉ là những kẻ lười biếng hoặc hèn nhát, hoặc là không hiểu cuộc sống, vì nếu hiểu cuộc sống thì mỗi người đều muốn lưu lại bóng dáng mình sau khi mình không còn trên đời này nữa. Và như thế thì cuộc sống sẽ không ngốn ngấu con người không để lại vết tích gì … Ồ, anh chàng bị chém nát mặt ấy đáng là con người. Anh sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất để làm được một việc gì. Hẳn là người Nga các anh đã giết anh ta trong thời gian nổ ra cuộc nổi loạn. Nhưng tại sao các anh lại đi đánh người Magya ? Này thôi, im đi ! …

Và để bắt tôi im lặng, bà lão Idecghin đột nhiên ngừng bặt, trầm ngâm suy nghĩ.
-Tôi còn quen biết một người Magya. Một hôm anh ta bỏ tôi ra đi, lúc ấy là mùa đông, và mãi đến mùa xuân, khi tuyết tan, người ta mới tìm thấy anh ta trên cánh đồng, đầu bị đạn xuyên qua. Thế đấy ! Anh thấy chứ : tình yêu giết người không kém bệnh dịch hạch, tính ra thì không ít hơn đâu … Vừa nãy tôi nói chuyện gì nhỉ ? À, nói về Ba Lan .. Phải, ở đấy tôi đã chơi canh bạc cuối cùng của tôi ! Tôi gặp một tay quý phái Ba Lan … Tay này mới thật là đẹp trai ! Ranh như quỷ sứ ấy ! Còn tôi thì già rồi, ôi chao, tôi già rồi ! Lúc ấy tôi đã đến bốn mươi chưa nhỉ ? … Có lẽ đến rồi đấy … còn nó thì kiêu hãnh, được bọn đàn bà chúng tôi chiều chuộng. Tôi đau khổ vì nó. Đúng thế, nó muốn lập tức chiếm lĩnh tôi mà không tốn chút công sức nào, nhưng tôi đâu có chịu. Chưa bao giờ tôi chịu làm nô lệ cho bất cứ kẻ nào. Tôi đã dứt được thằng Do Thái, tôi cho nó vô khối tiền … Bấy giờ tôi ở Cracôvi. Tôi đã có đủ mọi thứ : ngựa, vàng bạc, kẻ hầu người hạ … Con quỷ kiêu ngạo ấy lui tới thăm tôi và vẫn muốn tôi tự gieo mình vào hai cánh tay nó. Chúng tôi cãi nhau … tôi còn nhớ là vì chuyện ấy mà tôi đâm ra sọm người đi. Câu chuyện kéo dài khá lâu … Tôi đã thắng : nó quỳ gối van xin tôi … Nhưng vừa chiếm được tôi thì nó cũng bỏ tôi luôn. Thế là tôi hiểu tôi đã già rồi … Ôi, điều đó chẳng dễ chịu gì cho tôi đâu ! Chẳng dễ chịu gì đâu ! Tôi thì tôi yêu nó, thằng quỷ sứ ấy … Còn nó, khi gặp tôi, nó cười cợt .. cái thằng xỏ lấ thế ! Khi nói chuyện với những đứa khác, nó chế nhạo tôi, tôi biết. Chà, đau xót lòng tôi, thật đấy ! Nhưng nó vẫn ở đây, gần gũi, và dù sao tôi vẫn mê nó. Khi nó ra đi đánh nhau với người Nga các anh, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi cố nén lòng, nhưng không thể được … Và tôi quyết đi theo nó. Nó ở gần Vacxôvi, trong rừng …
Nhưng khi tôi đến nơi thì được biết bọn họ đã bị các anh đánh tan … nó bị bắt làm tù binh, giam ở một làng cách đấy không xa.
Tôi nghĩ : "Thế là ta không bao giờ còn gặp nó nữa ! ". Nhưng tôi muốn gặp nó. Thế rồi tôi cố tìm cách gặp nó bằng được. Tôi giả dạng làm một mụ hành khất, chân đi tập tễnh và mặt quấn băng, tìm đến cái làng nó bị giam. Chỗ nào cũng gặp người Cô dắc và lính tráng … tôi đã phải trả một giá đắt để đến được nơi đó ! Tôi đã khó lòng mà lọt tới được ! Nhưng tôi cần phải đến. Thế là ban đêm, tôi bò đến chỗ họ bị giam giữ. Tôi bò trong vườn rau, giữa các luống đất và tôi thấy một tên lính gác đứng trên đường tôi đi … Tôi đã nghe thấy bọn người Ba Lan đang hát và nói oang oang. Họ hát một bài ca ngợi Đức mẹ … và nó cũng hát với họ … Ackađec của tôi … Tôi chua xót nghĩ rằng trước kia người ta bò rạp đến tìm tôi … vậy mà bây giờ đã đến lúc tôi bò trên mặt đất như con rắn, tìm đến với một gã đàn ông và có lẽ là bò đến tìm cái chết của tôi cũng nên. Kìa, tên lính gác đã nghe ngóng, vươn người về phía trước. Tôi phải làm như thế nào đây ? Tôi đứng lên và tiến thẳng đến trước mắt hắn. Tôi không có dao, không có gì hết, chỉ có hai bàn tay và miệng lưỡi của tôi thôi. Tôi lấy làm tiếc rằng đã không giắt dao bên mình. Tôi thì thầm : "Ấy gượm ! …" Nhưng tên lính đã chĩa lưỡi lê vào họng tôi. Tôi thì thầm nói với hắn " Đừng đâm, hãy gượm, nếu anh còn có một tấm lòng thì xin hãy nghe tôi ! Tôi không thể cho anh cái gì đâu, nhưng tôi van xin anh … " Hắn hạ súng xuống và cũng thì thầm nói với tôi : "Xéo đi, mụ kia ! Xéo đi ! Mụ muốn gì ? " Tôi bảo hắn rằng con trai tôi hiện bị nhốt ở đây .. "Anh hiểu đấy, anh lính ạ, con trai tôi ! Anh cũng là con trai một người nào đó, phải không ? Thế thì anh hãy nhìn tôi đây, tôi cũng có một đứa con trai như anh, vậy mà bây giờ nó ở kia ! Cho tôi nhìn nó một tí, có lẽ chẳng bao lâu nữa nó sẽ chết … chưa biết chừng ngày mai anh sẽ bị giết … mẹ anh sẽ khóc anh chứ gì ? Và hẳn là anh đau lòng nếu chết mà không được nhìn mặt mẹ, phải không ? Con trai tôi cũng đau lòng như thế. Anh hãy thương lấy thân anh, thương nó, thương cả tôi nữa, vì tôi là người mẹ ! …"
Ôi chao, tôi nói với hắn lâu lắm ! Trời mưa, chúng tôi ướt ráo cả. Gió gào thét, gầm rú, lúc thì thốc vào lưng, lúc thì xô vào ngực tôi. Tôi đứng, lảo đảo trước mặt tên lính trơ trơ như tượng đá ấy .. Còn hắn thì luôn miệng nói : "Không !" Và mỗi lần nghe tiếng "Không !" lạnh lùng của hắn thì niềm mong muốn gặp Ackađec lại càng bừng cháy trong lòng tôi …. Tôi vừa nó vừa đưa mắt lượng sức vóc tên lính : hắn nhỏ bé, gầy nhẳng và ho luôn miệng. Thế là tôi sụp xuống đất trước mặt hắn, ôm lấy đầu gối hắn, không ngớt van nài hắn bằng những lời lẽ nhiệt thành, rồi tôi quật hắn xuống. Hắn ngã vào đống bùn. Nhanh như cắt, tôi lật úp mặt hắn xuống đất, dìm đầu hắn xuống vũng nước để hắn khỏi kêu. Hắn không kêu, chỉ vùng vẫy, cố hất tôi khỏi lưng hắn. Còn tôi, hay tay ấn đầu hắn xuống bùn sâu hơn nữa. Hắn tắt thở … Thế là tôi đâm bổ đến kho thóc, chỗ có tiếng hát của những người Ba Lan. "Ackađec !" - Tôi thì thầm gọi qua khe tường. Những người Ba Lan ấy sáng ý lắm, nghe tiếng tôi gọi, họ vẫn tiếp tục hát ! Kìa , đôi mắt Ackađec hiện ra trước mắt tôi. "Anh có thể ra được không ?" - "Được, chui qua dưới sàn !" - nó nói. "Ừ, thế thì ra đi". Rồi bốn người chui qua dưới sàn ván ra ngoài : ba người khác và Ackađec của tôi. "Bọn lính gác đâu ? " - Ackađec hỏi. "Nó nắm kia kìa !" Thế là họ im hơi lặng tiếng, nhẹ nhàng ra đi, khom mình sát đất. Trời mưa, gió gào thét. Chúng tôi đã ra khỏi làng và im lặng đi hồi lâu trong rừng. Chúng tôi đi thật nhanh. Ackađec dắt tay tôi, tay nó ấm và run run. Ôi ! … Lúc nó chưa nói gì cả thì đi cạnh nó, tôi sung sướng làm sao. Đấy là những phút cuối cùng, những phút sung sướng trong cuộc đời đầy ham muốn của tôi. Nhưng chúng tôi ra đồng cỏ và dừng lại. Cả bốn người đều cảm tạ tôi. Ôi, họ nói lâu lắm và nhiều lắm, nói những gì tôi cũng chẳng rõ nữa ! Tôi chỉ nghe và nhìn gã pan của tôi. Nó sẽ làm gì cho tôi đây ? Đây này, nó ôm lấy tôi và nói rất nghiêm trang. Tôi không còn nhớ nó nói những gì, nhưng tóm lại nó bảo bây giờ để trả ơn tôi đã cứu nó ra khỏi chốn ấy, nó sẽ yêu tôi … Nó quỳ xuống trước mặt tôi, mỉm cười nói với tôi : "Bà chúa của anh ơi !". Chà, thằng chó, giả dối đến thế đấy ! … Thế là tôi đá cho nó một cái và định đập vào mặt nó, nhưng nó né tránh được và bật dậy. Nó đứng trước mặt tôi, hầm hầm và tái mét … Ba tên kia cũng đứng đấy, đứa nào cũng cau có. Cả bọn đều im lặng. Tôi nhìn chúng … Tôi còn nhớ, lúc đó tôi chỉ cảm thấy chán ngán vô cùng, không còn thiết tha gì nữa … Tôi bảo chúng : "Các người đi đi !" Còn chúng, đồ chó, chúng bảo tôi : "Chị sẽ quay lại đằng ấy và chỉ cho chúng biết chúng tôi đi đường nào chứ ?" Quân đê hèn làm sao ! Nhưng rồi chúng cũng bỏ đi. Và tôi cũng đi .. Hôm sau người Nga các anh bắt được tôi, nhưng rồi họ thả ngay. Thế là tôi thấy đã đến lúc tôi phải xây một tổ ấm, tôi sẽ sống cuộc đời của con chim cu ! Tôi đã đâm ra ì ạch, cánh đã yếu, lông đã bợt màu … Đã đến lúc sống chân chỉ, đã đến lúc rồi ! Tôi đến Galixi, rồi từ đó về Đôbrutja. Và tôi ở đây đã ba chục năm trời. Tôi lấy một anh chồng người Mônđavi, anh ấy mất đã gần một năm. Còn tôi vẫn sống ! Sống đơn độc một mình .. Không, không phải một mình, mà sống với những người kia.
Bà lão đưa tay về phía biển, mặt biển khắp nới đều yên tĩnh. Đôi khi một âm thanh ngắn ngủi, hư ảo bật lên rồi tắt lặng ngay.
-Họ yêu tôi. Tôi kể cho họ nghe đủ thứ chuyện. Họ cần nghe những chuyện đó. Bọn họ còn trẻ cả … Sống với họ tôi thấy thú vị lắm … Tôi nhìn họ và nghĩ : "Đã có thời ta cũng như thế … Có điều là thời ấy, cái thời sôi nổi xa xưa của ta, con người có nhiều sức lực và nhiều lửa sống hơn, vì thế sống vui hơn và thú hơn … Đúng thế ! …"
Bà lão im lặng. Ngồi bên bà, tôi cảm thấy buồn man mác. Bà lão thiu thiu ngủ, đầu lắc la lắc lư và khẽ lầm rầm cái gì không rõ … có lẽ bà cầu nguyện.
Trên mặt biển nhô lên một đám mây đen nặng nề, có đường viền gân guốc, giống như một chỏm núi. Đám mây trườn vào thảo nguyên. Từ chỏm mây, có những mảng mây tách ra, bay vượt lên trước và lần lượt che tắt hết ngôi sao này đến ngôi sao khác. Biển động ầm ầm. Cách chúng tôi không xa, dưới những gốc nho, người ta hôn nhau, thì thầm, thở dài. Một con chó sủa rống lên ở một nơi nào xa tít trong thảo nguyên … Không khí đầy một mùi kỳ lạ, làm ngứa ngáy lỗ mũi, kích thích thần kinh. Bóng mây in xuống mặt đất từng đám dày đặc, trườn đi, trườn đi, biến mất rồi lại xuất hiện … Ở chỗ mắt trăng trước kia, chỉ còn lại một vệt trắng đục, đôi khi bị một mảng mây xanh nhạt hoàn toàn che khuất. Xa xa trên thảo nguyên lúc này đã trở nên đen ngòm và đáng sợ, như đang ẩn náu và thu giấu trong mình một cái gì bí ẩn, có những đốm lửa xanh lam bùng lên. Chúng xuất hiên trong giây lát, khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia rồi tắt đi, chứ như có mấy người tản mát trong thảo nguyên, ở cách xa nhau, đang tìm kiếm cái gì, xòe diêm lên những lại bị gió thổi tắt ngay. Đấy là những lưỡi lửa xanh rất kì dị, gợi nhớ tới một cái gì hoang đường.
-Anh có thấy những ánh lửa không ? - Bà lão Idecghin hỏi tôi.
-Những ánh lửa xanh kia phải không ? - Tôi vừa nói vừa trỏ ra thảo nguyên.
-Ánh lửa xanh hả ? Ừ, đúng đấy … Vậy ra những ánh lửa ấy vẫn còn bay lượn ! Lạ thật … Nhưng mắt tôi bây giờ không còn thấy những ánh lửa ấy nữa. Bây giờ có nhiều cái tôi không nhìn thấy được.
Trước đo tôi đã được nghe một đôi điều về nguồn gốc những tia lửa này, nhưng tôi muốn nghe bà lão Idecghin kể câu chuyện ấy.
-Những tia lửa ấy từ trái tim cháy của Đankô tóe ra đấy. Thưở xưa, có một trái tim một hôm đã bốc cháy … Những tia lửa này là ở trái tim đó mà ra … Tôi sẽ kể cho anh câu chuyện ấy … cũng là một câu chuyện cổ tích cũ … Câu chuyện cũ kỹ, toàn những câu chuyện cũ kỹ cả thôi ! Anh thấy không, thời xưa có biết bao nhiêu chuyện hay ? .. Còn thời nay chẳng có gì hết : không có công việc, không có con người, cũng chẳng có những chuyện cổ tích như thời xưa nữa … Tại sao ? Nào, nói đi .. Anh không trả lời được đâu .. Anh biết được những gì nào ? Bọn trẻ các anh biết được những gì ? Hà, hà ! .. Nếu các người nhìn kỹ vào thời xưa thì sẽ giải đáp được hết … Nhưng các người không nhìn, và vì thế các người không biết sống .. Tôi không nhìn thấy cuộc đời chăng ? Ồ, tôi thấy hết, mặc dù mắt tôi kém ! Tôi thấy thiên hạ không sống, mà chỉ đắn đo, suy tính và phí cả đời vào việc đắn đo suy tính đó. Rồi khi sống uổng hết một đời người vì hao phí thời gian thì lại bắt đầu khóc than cho số phận. Nhưng viện ở số phận ra mà làm gì ? Số phận của mỗi người là ở chính bản thân người đó ! Cho tới nay, tôi vẫn gặp đủ mọi loại người, nhưng không thấy những người dũng cảm ! Họ đâu cả rồi ? .. Người đẹp cũng mỗi ngày một ít đi ..
Bà lão bắt đầu suy nghĩ về việc những người dũng cảm và đẹp biến đi đâu hết cả, vừa suy nghĩ vừa chăm chú nhìn thảo nguyên tối thẫm, như để tìm trong đó câu trả lời. Tôi chờ nghe câu chuyện của bà lão và im lặng, sợ rằng hỏi câu gì thì cụ sẽ lại xoay sang chuyện khác.
Và bà lão bắt đầu kể.

3
"Thưở xưa, trên trái đất này, có một đám người sinh sống ở một khu vực nọ, xung quanh khu lều trại của họ ba bề là rừng rậm bao bọc, không thể len qua được, phía kia là thảo nguyên. Đó là những người vui vẻ khỏe mạnh và dũng cảm. Nhưng rồi thời buổi khó khăn đã tới : có những bộ lạc khác không hiểu từ đâu xuất hiện, xua đuổi những người vẫn ở đây từ trước vào tít trong rừng sâu. Ở đấy chỉ có đầm lầy và bóng tối vì rừng đã lâu đời lắm rồi, cành lá quấn quít dày rậm đến nỗi không còn nhìn thấy bầu trời nữa, và tia sáng mặt trời phải khó khăn lắm mới lọt qua đám lá um tùm để soi rọi chút ít xuống đầm lầy. Nhưng khi những tia nắng chiếu xuống mặt nước đầm lầy thì mùi hôi thối bốc lên đến nỗi họ lăn ra chết, hết người này đến người khác. Đàn bà trẻ con trong bộ lạc khóc lóc, còn các ông bố thì nghĩ ngợi và buồn rầu. Cần phải ra khỏi khu rừng này, và muốn vậy chỉ có hai con đường : con đường thứ nhất là trở lại phía sau thì có những kẻ thù mạnh và hung dữ, con đường thứ hai là tiến lên phía trước thì ở đó là những cây khổng lồ, cành tôi khỏe, ôm chặt lấy nhau, rễ ngoằn ngoèo đâm sâu xuống đất bùn dính chắc của đầm lầy. Những thân cây trơ trơ như đá ấy ban ngày đứng sừng sững, im lìm trong ánh sáng lờ mờ, xám xịt, và tối đến, khi đốt lửa lên thì cây cối càng dịch sát lại bao quanh đoàn người. Đêm cũng như ngày, xung quanh đoàn người bao giờ cũng có một vòng bóng tối vững chắc chỉ chực nghiến bẹp họ, mà họ thì đã quen với thảo nguyên bao la. Khi gió đập các ngọn cây và cả khu rừng gào thét như hăm dọa và hát bài ca đưa đám họ thì cảnh tượng càng ghê rợn hơn. Dù sao họ vẫn là những người dũng cảm, và họ có thể chọi nhau một mất một còn với những kẻ đã có lần đánh bại họ, nhưng họ không thể chết trong chiến đấu được, vì họ còn có nhưng lời di chúc, nếu họ chết thì những lời di chúc sẽ mất theo. Bởi vậy, họ cứ ngồi đấy và suy nghĩ bao đêm ròng, giữa tiếng cây rừng xào xạc, trong hơi thối độc địa của đầm lầy. Họ ngồi đấy và ánh lửa tạo nên những bóng đen chập chờn nhảy nhót xung quanh họ trong một điệu vũ thầm lặng, mọi người đều có cảm giác như đấy không phải là những bóng đen nhảy múa, mà là ma quỷ của rừng và đầm lầy đang hân hoan đắc thắng … Họ vẫn ngồi đấy và nghĩ ngợi. Nhưng không có cái gì, cả công việc lẫn đàn bà, lại làm suy mòn thể xác và tâm hồn người ta bằng những ý nghĩ buồn rầu. Người ta suy yếu đi vì lo nghĩ … Nỗi khiếp sợ nảy nở trong bọn họ, làm tê liệt những cánh tay rắn chắc họ, đàn bà khóc lóc trước tử thi những người chết vì uế khí và khóc than cho số phận những người còn sống nhưng đã mất chí khí vì hoảng sợ, tiếng khóc của họ làm cho đoàn người hoang mang thêm. Trong rừng, người ta bắt đầu nghe thấy những câu nói hèn nhát, lúc đầu còn rụt rè, thì thầm, rồi càng về sau càng lớn tiếng hơn … Họ đã định đến nộp mình cho quân thù và dâng tự do của mình cho chúng. Vì kinh hoảng trước cái chết, không ai còn sợ sống nô lệ nữa … Nhưng đúng lúc đó, Đankô xuất hiện và một mình anh, anh cứu thoát cả đoàn người ".
Rõ ràng là bà cụ vẫn thường kể câu chuyện trái tim cháy của Đankô. Cụ nói như hát, và giọng nói xin xít, rè rè của cụ khiến tôi hình dung rõ mồn một tiếng ào ào của khu rừng có những con người bất hạnh, kiệt lực, chết dần vì hơi độc của đầm lầy …
"Đankô là một người trong bọn họ, một chàng trai trẻ đẹp. Những người đẹp bao giờ cũng can đảm. Và anh nói với các bạn anh như thế này :
-Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá trên con đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc thì chẳng làm nên công chuyện gì. Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức ? Hãy đứng lên, chúng ta sẽ đi sâu vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc ! Ta đi đi ! Nào ! Tiến bước ! …
Họ nhìn anh và thấy anh hơn hẳn tất cả bọn họ, vì trong mắt anh ngời lên bao nhiêu sức mạnh và nhiệt tình sôi nổi.
-Anh dẫn chúng tôi đi ! - Họ bảo anh.
Thế là anh dẫn họ đi .. "
Bà lão im lặng và nhìn ra thảo nguyên, ở đó bóng tối mỗi lúc một dày đặc lại. Những tia lửa tóe ra từ trái tim cháy của Đankô sáng bừng lên ở nơi nào phía xa, nom như những bông hoa xanh bay lượn trên không, chỉ nở ra trong giây lát.
"Đankô dẫn họ đi. Mọi người nhất loạt đi theo anh : họ tin anh. Đường đi thật khó khăn ! Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau ; rễ bò lan khắp nơi như đàn rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại tốn bao nhiêu mồ hôi và máu. Họ đi lâu lắm … Rừng mỗi lúc một dày rậm, sức lực mỗi lúc một suy kiệt ! Họ bắt đầu oán trách Đankô, trách anh trẻ người non dạ, đưa họ đi vào chỗ vu vơ. Nhưng anh vẫn dẫn đầu đoàn người, hăng hái và tươi tỉnh.
Rồi một hôm, dông bão gầm thét trên rừng, cây cối ào ào ghê rợn. Trong rừng bỗng tối mù tối mịt, tưởng chừng như bao nhiêu đêm tối trên đời kể từ khi có rừng đến nay đều tụ cả lại. Những con người nhỏ bé đi giữa những cây lớn, trong tiếng sấm đáng sợ. Họ đi, còn những cây khổng lồ lắc lư, nghiến ken két và gào lên bài ca thịnh nộ. Tia chớp bay trên các ngọn cây, ánh lửa xanh lạnh lẽo rọi sáng mọi vật trong khoảng khắc và biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện, làm mọi người kinh sợ. Cây cối được ánh chớp lạnh lẽo rọi sáng, nom như những vật sống, dang rộng những cánh tay dài ngoằn ngoèo, đan thành một mạng lưới dày xung quanh đoàn người, cố ngăn chặn họ. Từ trong đám cành tối tăm, có cái gì đáng sợ, hắc ám, lạnh lẽo nhìn đám người đang đi. Đường đi gian nan, đoàn người mệt lả, mất tinh thần. Nhưng họ xấu hổ, không dám thú nhận sự yếu hèn của mình, vì thế họ trút căm hờn và giận dữ vào Đankô, con người dẫn đầu họ. Họ trách anh không biết dẫn dắt họ, thế đấy !
Họ dừng lại và giữa tiếng gầm gào đắc thắng của rừng, trong bóng tối run rẩy, những con người mệt mỏi và dữ tợn ấy bắt đầu kết tội Đankô.
-Mi là kẻ hèn mọn làm hại chúng tao, - họ bảo anh - Mi dẫn chúng tao đi và làm chúng tao kiệt lực, vì vậy mi phải chết !
-Các người bảo : "Dẫn chúng ta đi !" và tôi dẫn các người đi ! - Đankô hét lên, hiên ngang đứng trước mặt họ. - Tôi có gan dẫn đường và tôi dẫn các người đi ! Còn các người, các người đã làm gì để tự giúp mình ? Các người chỉ cắm cổ đi và không biết giữ sức để đi được lâu dài hơn ! Các người chỉ mải miết đi như đàn cừu !
Nhưng những lời đó làm họ càng điên tiết hơn.
-Mi phải chết ! Mi phải chết ! - Họ gầm lên.
Rừng cũng gầm lên, gầm mãi lên, hòa với tiếng hét của họ, và ánh chớp xé toang bóng tối thành từng mảnh. Đankô nhìn đám người mà anh đã ra công khó nhọc vì họ và thấy rằng họ là những con thú. Nhiều người xúm quanh anh, nhưng trên mặt họ không có chút gì là cao thượng và không thể mong họ tha thứ cho anh. Thế là trong tim anh cũng bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương người đã dập tắt ngọn lửa uất hận ấy. Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất. Trong tim anh bừng lên ngọn lửa nhiệt thành thiết tha muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường dễ dàng, và những tia lửa của niềm mong muốn mãnh liệt ấy lóe lên trong mắt anh … Còn họ thấy thế, lại tưởng anh nổi khùng nên mắt mới sáng quắc như vậy, họ liền giữ miếng như những con chó sói, chờ xem anh đánh lại họ, họ tiến sát đến, vây chặt lấy anh để dễ bề bắt và giết anh. Anh đã hiểu ý nghĩ của họ, do đó ngọn lửa trong trái tim anh càng cháy rực hơn nữa, vì ý nghĩ của họ làm anh buồn rầu.
Rừng vẫn hát bài ca thê lương, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước.
-Ta sẽ làm gì cho mọi người đây ?! - Đankô gào to hơn sấm.
Bỗng nhiên, anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu.
Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với mọi người. Trước ánh sáng của trái tim Đankô, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, nhào xuống cái mõm hôi thối của đầm lầy nơi rừng sâu núi thắm. Đoàn người sửng sốt, đứng trơ ra như phỗng.
-Đi thôi ! - Đankô thét lớn và xông lên phía trước, về chỗ của mình, tay giơ cao trái tim sáng rực, soi đường cho mọi người.
Họ xông lên theo anh, mê man như bị chài. Rừng lại bắt đầu ồn ào, ngạc nhiên lắc lư các ngọn cây, nhưng tiếng ồn ào của rừng bị tiếng chân người rầm rập át đi. Họ chạy nhanh và mạnh bạo, cảnh tượng kỳ diệu của trái tim cháy lôi cuốn họ. Bây giờ vẫn có người chết, nhưng họ chết không than vãn và khóc lóc. Còn Đankô vẫn luôn luôn đi ở phía trước và trái tim anh vẫn cháy bùng bùng, sáng rực !
Bỗng nhiên, rừng giãn ra nhường lối cho anh, giãn ra và lùi lại ở phía sau, dày đặc và câm lặng, còn Đankô và tất cả đám người ấy lập tức chìm vào cái biển ánh sáng mặt trời và không khí trong lành được nước mưa gột sạch. Dông bão ở đằng kia, sau lưng họ, trên khu rừng, còn ở đây là mắt trời rực rỡ, thảo nguyên thở đều đều, cỏ ngời sáng vì những giọt mưa chói lọi như kim cương và sông lấp loáng ánh vàng … Trời đã về chiều và dưới ánh hoàng hôn, sông đỏ như máu nóng hổi phụt ra từ bộ ngực bị xé rách của Đankô.
Chàng Đankô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống và chết.
Đoàn người vui sướng và tràn đầy hy vọng, không nhận thấy Đankô đã chết và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cháy bừng bừng cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó và sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền dẫm chân lên trái tim kiêu hãnh ấy … Trái tim tóe ra một loạt tia sáng, rồi tắt ngấm … "
-Đấy, duyên do của những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên vào lúc trước cơn dông là như vậy !
Bây giờ khi bà lão đã kể xong câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp của mình, thảo nguyên bỗng yên tĩnh lạ thường, như kinh ngạc về sức mạnh của chàng Đankô dũng cảm đã đốt cháy trái tim mình soi đường cho mọi người và chết mà không đòi hỏi gì cả.
Bà lão thiu thiu ngủ. Tôi nhìn bà cụ và nghĩ : "Trong trí nhớ cả bà lão còn lư lại bao nhiêu truyện kỳ diệu và biết bao nhiêu hồi ức nữa ?". Rồi tôi nghĩ về trái tim cháy hùng vĩ của Đankô và về trí tưởng tượng của nhân loại đã sáng tạo nên biết bao nhiêu truyền thuyết đẹp đẽ và đầy khí phách.
Gió thổi tung những manh áo rách và phơi trần bộ ngực khô đét của bà lão Idecghin đang thiếp đi mỗi lúc một say. Tôi kéo lại manh áo che cho tấm thân già lão và cũng nằm xuống cạnh bà. Thảo nguyên vắng lặng và tối om. Mây đen vẫn trôi trên trời, chầm chậm, tẻ ngắt … Biển ầm ì một điệu buồn bã.
Trong câu chuyện thứ hai, ta bắt gặp chính mảng hiện thực của cuộc đời hiện ra trần trụi, khoẻ khoắn tràn trề sức sống. Mỗi tính cách trong câu chuyện này hiện lên chân thật rõ ràng như trong đời thường ta vẫn hay gặp. Con người trong câu chuyện thứ nhất thuộc về huyền thoại, còn con người ở đây hiện lên với niềm vui và nỗi buồn, sự bình thản và hoảng hốt, sự bình tĩnh và hèn nhát, sự cao thượng và đê tiện, con người có tình yêu và sự đau khổ, con người đi qua những cột mốc thời gian. Trong câu chuyện thứ hai này, ta có thể thấy một anh thuyền chài “chỉ biết ca hát và hôn hít”, một anh chàng Guxun với “một cái đầu rực lửa”, lão Thổ Nhĩ Kỳ “nói năng như một đấng chúa tể”, một thằng bé mười sáu tuổi với tình yêu “rực cháy trong người”, một gã Ba Lan ti tiện và giả dối v.v…. Tất cả những con người ấy được lột tả tính cách qua nhân vật trung tâm là chính bà lão Idecghin.
Bà lão được tác giả quan sát rất kỹ càng: “Tôi nhìn mặt bà lão. Cặp mắt đen của bà vẫn mờ đục, hồi ức không làm cho cặp mắt ấy linh hoạt lên. Ánh trăng rọi sáng cặp môi khô nứt nẻ của bà, rọi sáng cái cằm nhọn vêu vao dính những sợi tóc bạc và cái mũi nhăn nheo khoằm xuống như mỏ cú. Hai má trũng xuống thành hai hõm đen: từ dưới mảnh giẻ đỏ quấn quanh đầu, một mớ tóc màu muối tiêu xoã ra, bê nết vào bên hõm má. Da mặt, da cổ và da tay chằng chịt nếp nhăn nom như những vết khía và mỗi khi bà lão cử động tôi cứ tưởng như làn da khô héo ấy sẽ rách tơi tả bong xuống từng mảnh và trước mắt tôi sẽ hiện lên bộ xương trần trụi với hai hốc mắt đen ngòm đờ đẫn.”. Con người ấy trong quá khứ lại là một phụ nữ tràn đầy sức sống và khát vọng tình yêu. Tình yêu của người phụ nữ này thật kỳ lạ, rất mãnh liệt và rất tha thiết. Cô gái Idecghin sẵn sàng dâng hiến tấm thân trinh bạch cho người mình yêu, nhưng lập tức có thể dứt bỏ ngay tình yêu ấy vì đó là tình yêu “yêu chỉ để mà yêu”, và cuộc đời đâu chỉ có “ca hát và hôn hít”. Tình yêu của cô với anh chàng Guxun cũng dữ dội không kém. Cả anh chàng thuyền chài Prút và anh chàng Guxun, hai người yêu của cô cùng giáp mặt với cái chết một lần. Trước cái chết, anh chàng Guxun dũng cảm “phì phèo tẩu thuốc” và anh thuyền chài “tái mét mặt khóc lóc” là hai hình ảnh tương phản của hai tính cách ngang tàng và hèn nhát của con người. Người phụ nữ Idecghin này còn yêu cả một gã Thổ Nhĩ Kỳ “giàu có và trịnh trọng”. Nhưng suốt một tuần sống trong “khuê phòng” với “tám ả đàn bà” “suốt ngày chỉ biết có ăn, ngủ và tán chuyện lăng nhăng”, con người có tình yêu nồng nàn ấy đã nhận ra tình yêu không thể làm nô lệ cho sự giàu có, và đã ra đi với tình yêu mới, tình yêu như sao băng với một thằng bé còn quá non nớt để hiểu thực tế phũ phàng của cuộc đời. Người phụ nữ Idecghin này luôn trăn trở để tìm ra đâu là tình yêu chân chính, đâu là giá trị thực của cuộc sống. Thực tế cuộc sống đã xô đẩy làm phiêu dạt số phận người phụ nữ ấy nhưng không dập tắt nổi ngọn lửa sống, ngọn lửa tình yêu trong tim bà. Tình yêu của người phụ nữ Idecghin tìm đến với một điều gì phi thường, với những con người có thể lập nên kỳ công. Lời phát biểu của bà lão cũng chính là quan niệm của tác giả về con người” “Anh biết không, trong cuộc sống bao giờ cũng có chỗ để làm nên sự nghiệp phi thường, còn những kẻ không tìm được cơ hội để lập nên kỳ công thì chỉ là những kẻ lười biếng hoặc hèn nhát hoặc là không hiểu cuộc sống, vì nếu hiểu cuộc sống thì mỗi người đều muốn lưu lại bóng dáng mình sau khi mình không còn trên đời này nữa. Và như thế thì cuộc sống sẽ không ngốn ngấu con người mà không để lại vết tích gì”. Quan niệm như vậy nhưng bà lão ấy đã có một thời bị ngọn lửa tình yêu làm cho mù quáng khi yêu một kẻ đểu cáng không xứng đáng là con người. Người phụ nữ ấy đã nếm trải sự đau khổ khi bị ruồng rẫy. Nhưng tình yêu chân chính trong con người bà đã giúp bà nhận ra những lớp son giả dối ở gã ti tiện người Ba Lan ấy. Và mặc dù đã đem mạng sống của mình mạo hiểm cứu hắn, người đàn bà Idecghin ấy đã dứt bỏ một cách thanh thản để ra đi. Hành trình dài suốt quãng đời son trẻ đã được đền bù xứng đáng, người phụ nữ ấy cuối cùng cũng tìm ra hạnh phúc cho bản thân. Câu chuyện thứ hai của bà lão Idecghin có thể nói là một bài học về tình yêu, về cuộc đời và con người. Con người, trong cuộc đời, luôn luôn phải gìn giữ ngọn lửa sống và hãy luôn luôn sáng suốt để có thể tự tìm cho mình những giá trị chân chính của cuộc đời. Bà lão Idecghin vẫn kể câu chuyện ấy cho bao lớp trẻ vì “họ cần nghe những chuyện đó”. Nhận thức của bà về cuộc đời thật đẹp và đáng để chúng ta suy nghĩ: “Đã có thời ta cũng như thế…Có điều là thời ấy, cái thời xa xưa của ta, con người có nhiều sức lực và lửa sống hơn, vì thế sống vui hơn và thú hơn… Đúng thế…”. Trong cơ thể già nua héo hắt ấy vẫn âm ỉ một ngọn lửa sống. Ngọn lửa sống ấy, bà cụ đã ban phát cho biết bao người và tiếp tục thổi bùng những khát vọng vươn tới tương lai, qua câu chuyện thứ ba, câu chuyện về chàng trai dũng cảm Đankô, về Con – Người – viết – hoa.

Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
1.      Lí do chọn đề tài
Có thể nói, lịch sử Việt Nam từ 1858 – 1900 thực chất là một cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống đầu hàng. Điều này gây nên một tác động hết sức to lớn đối với đời sống tinh thần dân tộc, đối với diện mạo văn học của giai đoạn này.
Nội dung văn học thời kì này rất đa dạng, nội dung yêu nước chống Pháp được xem là nội dung quan trọng nhất với những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu: Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Cao, Nguyễn Đình Chiểu…Và ở giai đoạn này chúng ta không thể không kể đến mảng nội dung khác đã góp phần tạo nên tính đa diện, sự phong phú của một nền văn học. Một mảng sáng tác khác không kém phần quan trọng đó là thơ văn trào phúng. Văn chương trào phúng Việt Nam ở giai đoạn này phát triển mạnh mẽ và tập trung về đề tài. Đây là một biểu hiện hiếm thấy. Nếu như trước đây, nó chỉ có mặt lẻ tẻ trong sáng tác của một số cây bút, thì bây giờ nó đã quy tụ thành ra một dòng, một xu hướng với những đại biểu ưu tú của mình: Trần Tế Xương (nhà thơ cự phách nhất trong dòng thơ trào phúng), Phan Văn Trị, Học Lạc, Huỳnh Mẫn Đạt…
Văn học trào phúng trong giai đoạn này không thể không kể đến Nguyễn Khuyến người được mệnh danh là nhà thơ quê hương làng cảnh Việt Nam. Ông vừa là nhà thơ trữ tình xuất sắc, vừa là nhà thơ trào phúng hàng đầu. Ông tam nguyên này có một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, trong đó những vần thơ trào phúng chiếm một vị trí quan trọng. Đến mức, đã có một thời người ta biết đến ông như một nhà thơ chuyên về trào phúng. Không những thể hiện ở sự đa dạng về số lượng bài mà còn thể hiện ở sự độc đáo về một phong cách độc đáo. Chính nét riêng này đã góp phần tỏ sáng nền văn học nước nhà gắn liền với tên tuổi một tác gia lớn Nguyễn Khuyến. Do đó, việc nghiên cứu về Nguyễn Khuyến nói chung và phong cách nghệ thuật của ông nói riêng là một điều rất cần thiết.
Để hiểu hơn về Nguyễn Khuyến cũng như thơ trào phúng của ông và cũng nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu sau này chúng tôi đã chọn đề tài “Nghệ thuật thơ trào phúng Nguyễn Khuyến”.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn trong dòng văn học Việt Nam, vì thế thơ văn Nguyễn Khuyến là một mảnh đất trù phú nuôi trồng biết bao cây bút phê bình văn học. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã tốn biết bao giấy mực khi nghiên cứu về tác gia Nguyễn Khuyến.
Một trong những công trình nghiên cứu lớn nhất về Nguyễn Khuyến có cuốn. “ Nguyễn Khuyến về tác gia và tác Phẩm” do Vũ Thị Thanh ( tuyển chọn và giới thiệu), trong công trình nghiên cứu này tác giả cuốn sách đã tập hợp nhiều bài viết , công trình nghiên cứu của các nhà phê bình nổi tiếng như: Trần Quốc Vượng, Nguyên Lộc, Xuân Diệu, Trần Đình Sử…trong đó có hơn chục bài viết về Nguyễn Khuyến, mỗi bài viết lại khơi nguồn những khía cạnh khác nhau.
Trong cuốn “Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm”, nhà xuất bản giáo dục (8/2003) đã có nhận xét về thơ trào phúng Nguyễn Khuyến “đây là tiếng cười đả kích không khoan nhượng của Nguyễn Khuyến, thể hiện thái độ phủ nhận dứt khoát đối với các đối tượng trào lộng. Nhân vật trào lộng này là những kẻ xấu xa, hèn kém mà tác giả vẫn thường gặp, những kẻ ông không thể chấp nhận, tha thứ, không thể điều hòa. Trong tiếng cười loại này Nguyễn Khuyến không thể đứng trên đối tượng trào lộng để phê phán, phủ định. Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của ông toát ra từ đây không phải là để "“phê phán, tố cáo xã hội” chung chung mà là phủ nhận thiết chế xã họi hiện thời, trên phương diện phủ nhận những đại diện “chính thức xã hội” tiêu biểu nhất của nó, từ vua chúa, quan lại, đến các “sản phẩm mới” khác của xã hội thực dân, phong kiến.”
Nguyễn Phong Nam với cuốn “Giáo trình văn học Việt Nam” có đoạn viết: “Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến sắc sảo, hóm hỉnh, thâm thúy. Đối tượng chủ yếu của dòng thơ trào phúng mà ông hướng tới thường là lớp người đỗ đạt, những bậc thượng lưu trí thức nhưng vô dụng trước cơn vận ách của nước nhà.”
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Đề tài này nghiên cứu về “Nghệ thuật thơ trào phúng Nguyễn Khuyến”.
- Phạm vi nghiên cứu
Đề tài này có phạm vi nghiên cứu tương đối ruộng, nghiên cứu về mảng thơ trào phúng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Để thực hiện đề tài này em đã tiến hành khảo sát một số công trình nghiên cứu: Nguyến Khuyến tác gia và tác phẩm, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – đến hết thế kỉ XIX  và một số công trình nghiên cứu khác.Qua đó tiến hành thống kê và tập hợp lại để hoàn thành công trình nghiên cứu của mình.
4. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này có một số phương pháp sau: Thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu.
5. Giới thuyết thuật ngữ
1.3.Khái niệm trào phúng
Trào là cười chế giễu, phúng là dùng để cảm hoá. Trong sáng tác văn học, có tiểu thuyết trào phúng, kí sự trào phúng, thơ trào phúng, tiểu luận trào phúng. Đó là những sáng tác viết ra để chế giễu, đả kích những thói hư, tật xấu, những con người và sự việc tiêu cực bằng cách gây cho người đọc cái cười mang tính chất chê bai, phê phán, răn bảo. "Số đỏ" là một cuốn tiểu thuyết trào phúng của Vũ Trọng Phụng. "Bốn mươi năm nói láo" là một kiểu kí sự trào phúng của Vũ Bằng, nói về nghề làm báo của bản thân và đồng nghiệp. Nguyễn Khuyến và Tú Xương trước kia đã có những bài thơ trào phúng, đả kích bọn thực dân, phong kiến, phủ nhận xã hội đương thời. Nhiều bài thơ trào phúng của Xích Điểu, Thợ Rèn... có tính chất phê phán và giáo dục, được người đọc rất hoan nghênh.

6. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, đề tài của chúng tôi gồm có hai chương chính:
Chương Một: Những vấn đề chung
Chương Hai: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
PHẦN NỘI DUNG
Chương Một: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Đôi nét về nhà thơ Nguyễn Khuyến
1.1.1.     Cuộc đời
Nguyễn Khuyến lúc nhỏ tên là Thắng, sinh năm Ất Mùi (1835) ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; nhưng ông lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thủa nhỏ chăm học. Năm 17 tuổi, ông đi thi cùng một khóa với cha, nhưng bị hỏng. Sau đó cha mất, nhà nghèo, Nguyễn Khuyến phải đi dạy học để kiếm sống và nuôi mẹ. Ông nghè Vũ Văn Lí, học trò cũ của ông bác Nguyễn Khuyến thương tình cảnh của Nguyễn Khuyến, đem về nuôi cho ăn học tiếp.
Năm 1864, Nguyễn Khuyến thi hương đậu giải nguyên (đậu đầu); năm sau thi hội bị hỏng, ông đổi tên là Nguyễn Khuyến, ông vào kinh theo học trường Quốc Tử Giám. Năm 1871, ông thi lại lần nữa và đỗ liền cả Hội nguyên và Đình nguyên. Nguyễn Khuyến đậu đầu cả ba kỳ nên người ta thường gọi ông là ông Tam nguyên hay Tam nguyên Yên Đỗ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.
Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
1.1.2.     Sự nghiệp văn chương
Sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm.Về Hán văn có “Quế Sơn thi văn tập”. Về chữ Nôm có rất nhiều bài thuộc các thể thơ luật, hát nói, lục bát, văn tế…Có bài ông viết bằng chữ Hán rồi tự dịch ra chữ Nôm, cả hai đều rất điêu luyện. Sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba nội dung:
-       Bộc bạch tâm sự của mình;
      - Viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương - một vùng đồng chiêm nghèo ở Bắc Bộ;
     - Chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỉ, tùy thời, cơ hội lúc bấy giờ.
Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công.
      1.2. Nỗi niềm trong thơ Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ được đào tạo theo khuôn mẫu của đạo đức của Nho giáo. Đối với ông, con người sinh ra ở đời sau khi học hành, đỗ đạt thì phải ra làm quan để "thờ vua giúp nước", thực hiện nghĩa vụ "trí quân trạch dân" (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ) mà đạo lý nhà nho đã quy định. Nhưng trong thời buổi bấy giờ, thực dân Pháp đang đánh chiếm nước ta, triều đình bạc nhược đã lần lượt đầu hàng giặc. Cuối cùng một nhà nho chân chính như Nguyễn Khuyến đã quyết định từ quan về ở ẩn. Ông cảm thấy buồn cho những kẻ cơ hội, tùy cơ đã tiếp tay cho giặc. Ông cũng viết về tiếng cuốc kêu và đó cũng là tiếng lòng của ông đối với non sông đất nước:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
                                   Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
                                  Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
                                                             (Cuốc kêu cảm hứng)
Phần lớn cuộc đời Nguyễn Khuyến sống ở nông thôn. Ông có quan hệ thân tình với mọi người. Ông viết nhiều về con người, về thiên nhiên, cảnh vật nông thôn. Dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến, dường như cuộc sống ở nông thôn lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu:
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
                                                                               (Chốn quê)
Là một nhà nho đã từng làm quan, Nguyễn Khuyến thấy khá rõ cái xấu của xã hội đương thời. Vậy nên, trong thơ ông đã vạch trần tất cả những thói hư tật xấu của đủ mọi hạng người trong xã hội. Trước hết là bọn quan lại, ông gọi là “Tiến sĩ giấy”, là “phỗng đá”…Ông đả kích thói rởm đời, lố lăng, thứ con đẻ của xã hội thực dân. Ngòi bút đả kích của Nguyễn Khuyến trở nên chua xót, cay đắng khi ông tả ngày “Hội Tây”:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
         Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu














Chương Hai: NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG THƠ NGUYỄN KHUYẾN
 Ngoài những thái độ thông thường, lập đức, lập công nho sinh còn có thái độ lập ngôn. Thật vậy mỗi lần hoà mình trong xã hội thối nát, chứng kiến những trò lố lăng của người đời, nhà nho không có quyền khoanh tay yên lặng, họ có bổn phận dùng lời để hoàn lương xã hội. Nguyễn Khuyến, bậc túc nho làng Yên Đổ, hơn ai hết nhìn sâu vào cuộc đời, thấy rõ sự đổ nát của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, cho nên dù bản tính điềm đạm, thi nhân cũng biến mình thành nhà thơ trào phúng. Mỗi nụ cười châm biếm của mỗi nhà thơ đều có sắc thái riêng biệt.
2.1. Đối tượng trào phúng
Nguyễn Khuyến biết rằng, ở con người của ta và của kẻ khác bao giờ cũng có những hành động sai lầm, những tư tưởng lệch lạc. Nho sinh trước tiên phải sửa cái sai xấu xa của mình để cải thiện cuộc sống trước khi lên tiếng chống báng thế sự đảo điên. Thái độ đó biểu lộ sự tự trọng của nhà nho. Vì vậy thi ca trào phúng của Nguyễn Khuyến đã biểu lộ hai thái độ tự trào và thế trào.
2.1.1.     Tự trào
Mang danh là một bậc tam Nguyên đáng lẽ thi nhân phải là một kẻ hoàn toàn từ đức tính, tài ba cho đến bổn phận nhưng Nguyễn Khuyến nhận thấy mình còn nhiều khuyết điểm cần phải đem ra để chỉ trích.
Bàn về tài ba cũng như đức tính, Nguyễn Khuyến đã không dấu diếm:
                                      Cờ đang dở cuộc không còn nước
                                     Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Gàn môi chén mãi tít cung thang.
                                            (Tự trào)
Nguyễn Khuyến là người rất tự trọng. Ông ý thức được tài năng và đức hạnh của bản thân, dẫu rằng có đôi khi ông cười cợt sự thành đạt của mình:
Học chẳng có rày hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen.
                                         (Di chúc)
Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng thì cái tài tầm chương trích cú của những ông tan khoa tiến sĩ là vô nghĩa. Ngẫm từ mình, ông thấu hiểu sự vô duyên, vô dụng của mình ngay trong hình tượng ông tiến sĩ giấy. Chính ông đã từng đúc kết một cách chua chát:
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh lại bảng vàng
(Tự trào)
Ngay đến thói xấu và say sưa thi nhân vẫn không bỏ được:
      Những lúc say sưa cũng muốn chừa
   Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi chưa chừa được
         Chừa được nhưng ông vẫn chửa chừa.
                                                (Chừa rượu)
Hơn nữa mỗi lần nghĩ đến thái độ bất lực của mình trước thời cuộc đen tối lúc bấy giờ, Nguyễn Khuyến không thể không thể không cảm thấy tủi nhục để rùi thi nhân tự lên tiếng bày tỏ sự hổ thẹn của mình:
Ơn vua chưa chút báo đền
                     Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời
                                                  (Di chúc)
2.1.2.     Thế trào
Thái độ tự trào chỉ để sửa soạn cho sự xoay hướng mũi dùi trào phúng vào xã hội. Có thể nói là Nguyễn Khuyến đã không ngần ngại đem tất cả các hạng người xấu xa trong xã hội để làm đối tượng cho những bài thơ thế trào của mình.
Không cần gươm để giết giặc cứu nước, Nguyễn Khuyến chỉ sử dụng thơ văn với tiếng cười châm biếm, đả kích như một vũ khí chiến đấu. Ông lên án, phơi bày ra hiện thực bản chất xấu xa của họ. Sâu xa đâu đó trong tác phẩm là nỗi đau đớn, chua chát và buồn chán của tác giả về những hiện thực xấu xa trong xã hội. Tiếng cười trào phúng trong thơ ông như nhắc nhở một cách nhẹ nhàng và kín đáo về cách sống, đó là một lời khuyên chân thành của nhà thơ. Thơ ca nhất thiết phải có giá trị đối với con người. Thơ Nguyễn Khuyến là một tiếng cười nhưng là tiếng cười để khuyên đời, làm đẹp cuộc sống.
Cũng hiếm người có được cái nhìn đối với công danh phú quý tỉnh táo như Nguyễn Khuyến. Con người ấy dám vứt bỏ những danh lợi để giữ vẹn toàn danh tiết. Một người vinh hiển đã đến bậc đỉnh chung, đang trên đà thăng tiến, ấy vậy mà dám dừng phắt lại, chối từ tất cả, cam chịu nghèo đói, con người ấy nhất định không phải hạng tầm thường. Có thể nói ông đã đạt đến cái đỉnh cao nhân cách mà các nhà Nho quân tử hằng mơ ước. Chính vì thế mà ông có đủ tư cách để sổ toẹt mọi thứ hình nhân gian giảo, đểu cáng, hèn hạ. Với sự lịch lãm của mình, Nguyễn Khuyến thường hướng sự phẫn nộ vào tầng lớp trên của xã hội. Ông gắn nỗi nhục mất nước, sự suy đồi về phong hóa đạo đức với trách nhiệm của các đối tượng ấy, lấy đó làm lý do đả kích. Bởi thế tinh thần công dân trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến là một đặc điểm rất nổi bật. Những kẻ mang danh rường cột nước nhà, các bậc thượng lưu trí thức thường bị ông đả kích rất sâu cay, nhất là các vị đỗ đạt cao. Trong lịch sử văn chương nước ta, dễ thường chưa có ai đả kích ông nghè cay độc, ác liệt như Nguyễn Khuyến, dù bản thân ông là người hiển đạt. Ông nghi ngờ:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
     Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
      Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi!
                                                                             (Vịnh tiến sĩ giấy)
Mượn tiến sĩ giấy để mắng tiến sĩ thật, Nguyễn Khuyến lên giọng chì chiết: “Giấy má nhà bay đáng mấy xu”. Ông coi nghi lễ rước xách chỉ là trò con trẻ:
Ân tứ dám đâu coi rẻ rúng
Vinh quy ắt hẳn rước tùng xòe
                                  (Mừng ông nghè mới đỗ)
Sự khinh miệt của Nguyễn Khuyến không phải là đồ vô căn cứ. Điều quan trọng đối với ông, khi xét con người, không phải ở cái danh hão mà là ở hành động.
Nhà thơ thống kê một loạt biểu tượng danh giá của ông nghè, người tiến sĩ xưa nhưng thật chất đó chỉ làm bằng giấy thôi. Hình ảnh thơ vừa thực vừa tượng trưng chỉ cốt nói lên rằng: thời này hầu hết ông nghè đang chễm chệ ngồi trên cao đều thực chất là bọn “tiến sĩ giấy” cả, chúng chỉ là thằng hề không hơn không kém, chỉ là hữu danh vô thực, thật là đáng buồn và đáng tiếc thay. Đồng thời ông muốn khuyên con người rằng đừng chạy theo lợi danh mà quên đi những điều liêm sĩ.
Nguyễn Khuyến không ngần ngại tuyên chiến với bọn quan lại này. Vì vậy khi nghe tin một quan tuần mất cướp, vừa mất của vừa bị đánh đòn, thi nhân đã hả hê buông lời châm chọc:                                     
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
             Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
                     Cướp của đánh người quân tệ nhỉ,
                  Xương già, da cóc có đau không.
                                                               (Hỏi thăm quan tuần mất cướp).
Ngay đến các quan Đốc học cũng không thoát khỏi lời công kích. Nguyễn Khuyến mạt sát Đốc học là tay sai của thực dân.
                                        Bổng lộc như ông không mấy nhỉ.
                                       Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây.
Nguyễn Khuyến vạch trần bộ mặt tham lam và đê tiện của bọn thực dân phong kiến và tay sai, chỉ rõ bản chất của lũ cướp nước và bán nước. Ông nói lên cho mọi người biết rằng: Hàng ngũ quan lại là lũ tay sai bù nhìn, là những anh hề trên sân khấu.Có phải chăng rằng ông đang khuyên bọn quan lại ấy hãy thức tình mà là chính mình,đừng chịu mãi sự sai khiến của người khác, đừng là một con rối, một anh hề trong sự giật dây của thực dân.
“Vua chèo còn chẳng ra gì,
                      Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề".
                                                 (Lời vợ anh phường chèo)
Nguyễn Khuyến đã mạnh dạn đứng lên, vạch trần trụi ra rằng những trò chơi, trò vui trong ngày hội Tây thực chất là làm cho đồng bào ta quên đi nỗi nhục mất nước, tham gia một cách vô ý thức vào những trò chơi hạ thấp phẩm già của con người.Chúng ta đọc để mà cười, cười một cách xót xa và đau đớn. Đó phải chăng là một lời cảnh tỉnh của Nguyễn Khuyến cho nhân dân ta, đồng bào ta, những con người ít hiểu biết phải nên cảnh giác trước mọi âm mưu được gói ghém kĩ càng trong những sự việc tưởng chừng như tốt đẹp mà bọn thực dân bày ra để lừa mị con người.
Lời chỉ trích của thi nhân lại nhắm đến hạng bình dân. Người Pháp đến Việt Nam thường tổ chức ngày hội nhân lễ độc lập của họ, thanh niên nam nữ Việt Nam không biết cái nhục vong quốc lại còn hăng hái tham dư, bày cảnh lố lăng:
       Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
     Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
         Vui thế bao nhiêu nhục bay nhiêu.
                                                      
(Hội Tây)
Như vậy chúng ta có thể ghi nhận rằng Nguyễn Khuyến đã cười, đã mỉa mai rất nhiều đối tượng.
2.2. Đặc tính nghệ thuật:
Thái độ trào phúng của thi nhân bao giờ cũng biểu lộ những sắc thái nghệ thuật đặc biệt. Sinh trước tú xương hơn 30năm, được chứng kiến sự biến chuyển của xã hội trong buổi giao thời một cách trọn vẹn, Nguyễn Khuyến không vội vàng hấp tấp. Thi nhân là một nho sinh cho nên không ưa lối biểu lộ tình cảm một cách ồ ạt, suồng sã. Khi châm biếm, đùa cợt Nguyễn Khuyến vẫn giữ được cái cười kín đáo tế nhị và sâu xa. Nó không giống như lối nói đả kích, châm biếm sâu sắc và dữ dội vào các đối tượng mà ông căm ghét như Trần Tế Xương:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Vịnh khoa thi hương)
      Hay tiếng châm biếm sâu cay như Hồ Xuân Hương:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
2.2.1. Lối chỉ trích kín đáo
Khi chỉ trích người, nhà thơ bao giờ cũng giữ sự kín đáo. Chỉ trích quan lại bất tài thi nhân chỉ ví bọn này như Tiến sĩ giấy:
                                     Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
                                   Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Lời lẽ kín đáo được xem là một đặc tính nghệ thuật trong thi ca trào phúng của Nguyễn Khuyến. Thi nhân thường mượn một hình thức tầm thường bên ngoài để che đậy cái nội dung sâu kín bên trong. Mỗi lần muốn chỉ trích một đối tượng nào, nhà thơ thường không nêu đích danh mà chỉ dùng lối gián tiếp. Nói đến quan lại bất tài, Nguyễn Khuyến lại mượn hình ảnh tiến sĩ giấy để lên tiếng công kích mỉa mai:
Mày râu vẻ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu.
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
                                             
(Tiến sĩ giấy)
Đôi lúc lại dựng lên một hoạt cảnh, một vở kịch như “Lời vợ anh phường chèo” để gián tiếp mạt sát vua quan lúc bấy giờ:
Vua chèo còn chẳng ra gì.
               Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.

                                                  (Lời vợ anh phường chèo)
2.2.2. Lời chỉ trích nhẹ nhàng
Không những thế, vì hấp thu đạo đức Nho giáo lại thêm bản tính hiền hoà, lời chỉ trích của Nguyễn Khuyến không phải là nhứng lời trắng trợn, sỗ sàng, thi nhân cho rằng lối răn dạy, sự sửa lỗi phải nhẹ nhàng để người lầm lỗi đủ bình tĩnh nghiệm xét, may ra mà sửa lỗi chăng? Khi nhắm đến ông đốc Hưng Yên, Nguyễn Khuyến chỉ dùng những lời thật hiền lành:
Ông làm đốc học bấy lâu nay,
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay.
Tóc bạc răng long chừng đã cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
(Mừng đốc học Hà Nam)
2.2.3. Ý sâu sắc chua cay
Nhưng khi những thói hư tật xấu tiếp diễn, nho sinh có bổn phận khôi phục và duy thế đạo nhân tâm, nho sinh không chấp nhận tội lỗi, vì nếu lời trào phúng nhẹ nhàng hời hợt thì nhiệm vụ hoàn lương xã hội làm sao trọn vẹn được. Lời chỉ trích không nặng nề, song ý tứ phải sâu xa và nếu cần chứa luôn sự chua chát. Cái cười cảu Nguyễn Khuyến đậm đà, xa xôi. Như khi muốn mắng bọn quan lại hống hách, thi nhân đã dùng những cười cợt nhẹ nhàng, nhưng khi đi vào chiều sâu chúng ta mới thấy là những mạt sát:
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.
                                                                             (Ông nghè tháng tám)
     Ngắm nghía ông tiến sĩ giấy, thi nhân thấy giá trị của nó hèn kém có khác chi bọn dốt nát nhờ nịnh bợ luồn cúi mà đỗ đạt:
Mày râu mặt ấy vang trong nước,
 Giấy má nhà bay đáng mấy xu.
                                                            (Tiến sĩ giấy).
Đọc qua nghe nhẹ nhàng, nhưng suy kỹ, biết thâm ý của Nguyễn Khuyến mới hay đó là lời mạt sát.Tính chất thâm trầm chua cay lại càng rõ ràng hơn chúng ta đọc đoản kịch trào lộng “Lời vợ phường chèo”. Thật vậy, thái độ ấm ớ, ngớ ngẩn của anh phường chèo:
Xóm bên đông có phường chèo trọ,
         Đang nửa đêm với vợ chuyện trò.
Rằng ta thường làm quan to,
              Sao người xem chẳng ra trò trống chi?
                                                                              (Lời vợ anh phường chèo)
Giữa đêm khuya đem chuyện vớ vẩn hỏi vợ thì thiệt là điên. Không những thế, chàng ta ngu dốt và liêm sỉ đến độ:
Vợ giận lắm mắng đi mắng lại,
Tuổi đã già sao dại như di.
Nửa đêm sao chẳng biết gì,
          Người ta biết đến thiếp thì hổ thay.
                                                                      (Lời vợ anh phường chèo)
      Đừng tưởng Nguyễn Khuyến muốn nói đến chuyện phường chèo, lời lẽ trên thi nhân dành cho bọn quan lại trong triều lúc bấy giờ đấy! Vợ mà mắng chồng vì chồng là kẻ tồi, lại mắng đi mắng lại vì chồng ngu. Vợ biết hổ thẹn trong khi chồng trơ ra không biết nhục. Thật là những lời chua cay mà Nguyễn Khuyến đã gửi đến bọn quan bù nhìn.
2.2.4. Thái độ quân tử
Dù sao, Nguyễn Khuyến cũng là bậc túc nho cho nên khi chỉ trích người đời thi nhân phải bảo vệ tác phong quân tử của mình. Thật vậy, trước khi thế trào, Nguyễn Khuyến đã tự trọng, đem cái xấu xa của mình ra để mỉa mai:
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
   Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
                                                          (Tự trào)
Khe khắt với mình xong mới bắt đầu lên tiếng sửa sai người đời. Lời trào phúng của Nguyễn Khuyến luôn luôn có tính cách xây dựng, mang nhiều tính chất giáo dục làm cho những đối tượng bị thi nhân trêu chọc ngẫm nghĩ và nghiệm xét hành động mình. Họ đã lĩnh hội lời khuyên nhủ của Nguyễn Khuyến. Sau khi chỉ trích bọn thanh niên nam nữ bày trò lố lăng, tạo cảnh vong quốc trong ngày Hội Tây, Nguyễn Khuyến đã kết thúc bằng lời khuyên của một người lớn đối với hậu sinh:Khen ai khéo vẽ trò vui thế,/Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu. (Hội Tây)










PHẦN KẾT LUẬN
Thơ văn Nguyễn Khuyến thường mang nhiều nét có tính chất trào lộng, châm biếm. Tính chất châm biếm, trào lộng này cũng do nội dung tư tưởng của thơ văn ông và tình trạng tầng lớp ông quy định. Thái độ trào phúng của Nguyễn Khuyến thường nhẹ nhàng, mát mẻ, nhiều kín đáo nhưng chua chát, sâu cay và thâm thúy. Mức độ trào phúng của nhà thơ cao hay thấp, nặng hay nhẹ tùy từng đối tượng. Và thái độ châm biếm của ông thường là thái độ kẻ đàn anh đứng vị trí trên mà nhiếc móc, mỉa mai kẻ dưới.
Nhà thơ bao giờ cũng có thể đứng cao hơn đối tượng bị châm biếm, đả kích cả về tài năng và nhân cách. Chính điều này đã tạo nên uy lực trong tiếng cười trào phúng.Ông nói lên những điều ai cũng biết mà không dám nói ra để thành không ai biết.Nguyễn Khuyến làm những bài thơ châm biếm đó cho mọi người đọc,mọi người cười để rồi ngỡ ngàng nhìn lại thì đó chính là một phần của mình.Đó là một cách mà nhà thơ muốn cải tạo dù chỉ là một phần nào đó vô cùng nhỏ bé của xã hội, làm cho nó dần tốt đẹp hơn.Bên cạnh những bài thơ trào phúng, Nguyễn Khuyến còn viết những bài thơ tự trào, đem sự bất lực, bạc nhược của mình để mỉa mai, chế giễu.Đó cũng là nụ cười đắng cay và cũng là dũng khí của nhà thơ.Ông mạnh dạn nói về bản thân mình phải chăng để mọi người cũng như thế, cũng mạnh dạn nhìn vào những mặt hạn chế trong con người mình chứ không trốn tránh và xuôi theo nó.“Cờ đương dở cuộc không còn nước/Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”
Nguyễn Khuyến là một con người đa tài trong thơ ca, trong cả lĩnh vực thơ thiên nhiên và thơ tráo phúng.Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến thức đúng như lới nhận xét của giáo sư Dương Quản Hàm :Đó là những vần thơ nhẹ nhàng kín đáo nhưng là lời khuyên răn sâu sắc và ý nghĩa của một bậc quân tử.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Nguyễn Đăng Na (chủ biên), (2006), Văn học trung đại Việt Nam. Nxb ĐHSP Hà Nội.
2.      Nguyễn Phong Nam, (2001), Dấu tích văn nhân, Nxb Đà Nẵng.
3.      Mai Hương, (2008), Nguyễn Khuyến thơ và những lời bình, Nxb Văn hoá thông tin.
4.      Nguyễn Lộc, (2005), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo Dục.
5.      Tuấn Thành, Anh Vũ, (2007),  Nguyễn Khuyến tác phẩm và lời bình. Nxb Văn học.
6.       Vũ Thanh, (2001), Tác gia và tác phẩm,  Nxb Giáo Dục.
7.      Nguyễn Văn Huyền, (1984), Nguyễn Khuyến tác phẩm,  Nxb Khoa học xã hội.
8.      Vũ Tiến Quỳnh(1992), Nguyễn Khuyến, Nxb Khánh Hoà.