Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012


Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
1.      Lí do chọn đề tài
Có thể nói, lịch sử Việt Nam từ 1858 – 1900 thực chất là một cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống đầu hàng. Điều này gây nên một tác động hết sức to lớn đối với đời sống tinh thần dân tộc, đối với diện mạo văn học của giai đoạn này.
Nội dung văn học thời kì này rất đa dạng, nội dung yêu nước chống Pháp được xem là nội dung quan trọng nhất với những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu: Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Cao, Nguyễn Đình Chiểu…Và ở giai đoạn này chúng ta không thể không kể đến mảng nội dung khác đã góp phần tạo nên tính đa diện, sự phong phú của một nền văn học. Một mảng sáng tác khác không kém phần quan trọng đó là thơ văn trào phúng. Văn chương trào phúng Việt Nam ở giai đoạn này phát triển mạnh mẽ và tập trung về đề tài. Đây là một biểu hiện hiếm thấy. Nếu như trước đây, nó chỉ có mặt lẻ tẻ trong sáng tác của một số cây bút, thì bây giờ nó đã quy tụ thành ra một dòng, một xu hướng với những đại biểu ưu tú của mình: Trần Tế Xương (nhà thơ cự phách nhất trong dòng thơ trào phúng), Phan Văn Trị, Học Lạc, Huỳnh Mẫn Đạt…
Văn học trào phúng trong giai đoạn này không thể không kể đến Nguyễn Khuyến người được mệnh danh là nhà thơ quê hương làng cảnh Việt Nam. Ông vừa là nhà thơ trữ tình xuất sắc, vừa là nhà thơ trào phúng hàng đầu. Ông tam nguyên này có một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, trong đó những vần thơ trào phúng chiếm một vị trí quan trọng. Đến mức, đã có một thời người ta biết đến ông như một nhà thơ chuyên về trào phúng. Không những thể hiện ở sự đa dạng về số lượng bài mà còn thể hiện ở sự độc đáo về một phong cách độc đáo. Chính nét riêng này đã góp phần tỏ sáng nền văn học nước nhà gắn liền với tên tuổi một tác gia lớn Nguyễn Khuyến. Do đó, việc nghiên cứu về Nguyễn Khuyến nói chung và phong cách nghệ thuật của ông nói riêng là một điều rất cần thiết.
Để hiểu hơn về Nguyễn Khuyến cũng như thơ trào phúng của ông và cũng nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu sau này chúng tôi đã chọn đề tài “Nghệ thuật thơ trào phúng Nguyễn Khuyến”.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn trong dòng văn học Việt Nam, vì thế thơ văn Nguyễn Khuyến là một mảnh đất trù phú nuôi trồng biết bao cây bút phê bình văn học. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã tốn biết bao giấy mực khi nghiên cứu về tác gia Nguyễn Khuyến.
Một trong những công trình nghiên cứu lớn nhất về Nguyễn Khuyến có cuốn. “ Nguyễn Khuyến về tác gia và tác Phẩm” do Vũ Thị Thanh ( tuyển chọn và giới thiệu), trong công trình nghiên cứu này tác giả cuốn sách đã tập hợp nhiều bài viết , công trình nghiên cứu của các nhà phê bình nổi tiếng như: Trần Quốc Vượng, Nguyên Lộc, Xuân Diệu, Trần Đình Sử…trong đó có hơn chục bài viết về Nguyễn Khuyến, mỗi bài viết lại khơi nguồn những khía cạnh khác nhau.
Trong cuốn “Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm”, nhà xuất bản giáo dục (8/2003) đã có nhận xét về thơ trào phúng Nguyễn Khuyến “đây là tiếng cười đả kích không khoan nhượng của Nguyễn Khuyến, thể hiện thái độ phủ nhận dứt khoát đối với các đối tượng trào lộng. Nhân vật trào lộng này là những kẻ xấu xa, hèn kém mà tác giả vẫn thường gặp, những kẻ ông không thể chấp nhận, tha thứ, không thể điều hòa. Trong tiếng cười loại này Nguyễn Khuyến không thể đứng trên đối tượng trào lộng để phê phán, phủ định. Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của ông toát ra từ đây không phải là để "“phê phán, tố cáo xã hội” chung chung mà là phủ nhận thiết chế xã họi hiện thời, trên phương diện phủ nhận những đại diện “chính thức xã hội” tiêu biểu nhất của nó, từ vua chúa, quan lại, đến các “sản phẩm mới” khác của xã hội thực dân, phong kiến.”
Nguyễn Phong Nam với cuốn “Giáo trình văn học Việt Nam” có đoạn viết: “Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến sắc sảo, hóm hỉnh, thâm thúy. Đối tượng chủ yếu của dòng thơ trào phúng mà ông hướng tới thường là lớp người đỗ đạt, những bậc thượng lưu trí thức nhưng vô dụng trước cơn vận ách của nước nhà.”
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Đề tài này nghiên cứu về “Nghệ thuật thơ trào phúng Nguyễn Khuyến”.
- Phạm vi nghiên cứu
Đề tài này có phạm vi nghiên cứu tương đối ruộng, nghiên cứu về mảng thơ trào phúng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Để thực hiện đề tài này em đã tiến hành khảo sát một số công trình nghiên cứu: Nguyến Khuyến tác gia và tác phẩm, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – đến hết thế kỉ XIX  và một số công trình nghiên cứu khác.Qua đó tiến hành thống kê và tập hợp lại để hoàn thành công trình nghiên cứu của mình.
4. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này có một số phương pháp sau: Thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu.
5. Giới thuyết thuật ngữ
1.3.Khái niệm trào phúng
Trào là cười chế giễu, phúng là dùng để cảm hoá. Trong sáng tác văn học, có tiểu thuyết trào phúng, kí sự trào phúng, thơ trào phúng, tiểu luận trào phúng. Đó là những sáng tác viết ra để chế giễu, đả kích những thói hư, tật xấu, những con người và sự việc tiêu cực bằng cách gây cho người đọc cái cười mang tính chất chê bai, phê phán, răn bảo. "Số đỏ" là một cuốn tiểu thuyết trào phúng của Vũ Trọng Phụng. "Bốn mươi năm nói láo" là một kiểu kí sự trào phúng của Vũ Bằng, nói về nghề làm báo của bản thân và đồng nghiệp. Nguyễn Khuyến và Tú Xương trước kia đã có những bài thơ trào phúng, đả kích bọn thực dân, phong kiến, phủ nhận xã hội đương thời. Nhiều bài thơ trào phúng của Xích Điểu, Thợ Rèn... có tính chất phê phán và giáo dục, được người đọc rất hoan nghênh.

6. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, đề tài của chúng tôi gồm có hai chương chính:
Chương Một: Những vấn đề chung
Chương Hai: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
PHẦN NỘI DUNG
Chương Một: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Đôi nét về nhà thơ Nguyễn Khuyến
1.1.1.     Cuộc đời
Nguyễn Khuyến lúc nhỏ tên là Thắng, sinh năm Ất Mùi (1835) ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; nhưng ông lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thủa nhỏ chăm học. Năm 17 tuổi, ông đi thi cùng một khóa với cha, nhưng bị hỏng. Sau đó cha mất, nhà nghèo, Nguyễn Khuyến phải đi dạy học để kiếm sống và nuôi mẹ. Ông nghè Vũ Văn Lí, học trò cũ của ông bác Nguyễn Khuyến thương tình cảnh của Nguyễn Khuyến, đem về nuôi cho ăn học tiếp.
Năm 1864, Nguyễn Khuyến thi hương đậu giải nguyên (đậu đầu); năm sau thi hội bị hỏng, ông đổi tên là Nguyễn Khuyến, ông vào kinh theo học trường Quốc Tử Giám. Năm 1871, ông thi lại lần nữa và đỗ liền cả Hội nguyên và Đình nguyên. Nguyễn Khuyến đậu đầu cả ba kỳ nên người ta thường gọi ông là ông Tam nguyên hay Tam nguyên Yên Đỗ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.
Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
1.1.2.     Sự nghiệp văn chương
Sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm.Về Hán văn có “Quế Sơn thi văn tập”. Về chữ Nôm có rất nhiều bài thuộc các thể thơ luật, hát nói, lục bát, văn tế…Có bài ông viết bằng chữ Hán rồi tự dịch ra chữ Nôm, cả hai đều rất điêu luyện. Sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba nội dung:
-       Bộc bạch tâm sự của mình;
      - Viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương - một vùng đồng chiêm nghèo ở Bắc Bộ;
     - Chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỉ, tùy thời, cơ hội lúc bấy giờ.
Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công.
      1.2. Nỗi niềm trong thơ Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ được đào tạo theo khuôn mẫu của đạo đức của Nho giáo. Đối với ông, con người sinh ra ở đời sau khi học hành, đỗ đạt thì phải ra làm quan để "thờ vua giúp nước", thực hiện nghĩa vụ "trí quân trạch dân" (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ) mà đạo lý nhà nho đã quy định. Nhưng trong thời buổi bấy giờ, thực dân Pháp đang đánh chiếm nước ta, triều đình bạc nhược đã lần lượt đầu hàng giặc. Cuối cùng một nhà nho chân chính như Nguyễn Khuyến đã quyết định từ quan về ở ẩn. Ông cảm thấy buồn cho những kẻ cơ hội, tùy cơ đã tiếp tay cho giặc. Ông cũng viết về tiếng cuốc kêu và đó cũng là tiếng lòng của ông đối với non sông đất nước:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
                                   Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
                                  Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
                                                             (Cuốc kêu cảm hứng)
Phần lớn cuộc đời Nguyễn Khuyến sống ở nông thôn. Ông có quan hệ thân tình với mọi người. Ông viết nhiều về con người, về thiên nhiên, cảnh vật nông thôn. Dưới ngòi bút của Nguyễn Khuyến, dường như cuộc sống ở nông thôn lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu:
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua.
                                                                               (Chốn quê)
Là một nhà nho đã từng làm quan, Nguyễn Khuyến thấy khá rõ cái xấu của xã hội đương thời. Vậy nên, trong thơ ông đã vạch trần tất cả những thói hư tật xấu của đủ mọi hạng người trong xã hội. Trước hết là bọn quan lại, ông gọi là “Tiến sĩ giấy”, là “phỗng đá”…Ông đả kích thói rởm đời, lố lăng, thứ con đẻ của xã hội thực dân. Ngòi bút đả kích của Nguyễn Khuyến trở nên chua xót, cay đắng khi ông tả ngày “Hội Tây”:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
         Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu














Chương Hai: NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG THƠ NGUYỄN KHUYẾN
 Ngoài những thái độ thông thường, lập đức, lập công nho sinh còn có thái độ lập ngôn. Thật vậy mỗi lần hoà mình trong xã hội thối nát, chứng kiến những trò lố lăng của người đời, nhà nho không có quyền khoanh tay yên lặng, họ có bổn phận dùng lời để hoàn lương xã hội. Nguyễn Khuyến, bậc túc nho làng Yên Đổ, hơn ai hết nhìn sâu vào cuộc đời, thấy rõ sự đổ nát của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, cho nên dù bản tính điềm đạm, thi nhân cũng biến mình thành nhà thơ trào phúng. Mỗi nụ cười châm biếm của mỗi nhà thơ đều có sắc thái riêng biệt.
2.1. Đối tượng trào phúng
Nguyễn Khuyến biết rằng, ở con người của ta và của kẻ khác bao giờ cũng có những hành động sai lầm, những tư tưởng lệch lạc. Nho sinh trước tiên phải sửa cái sai xấu xa của mình để cải thiện cuộc sống trước khi lên tiếng chống báng thế sự đảo điên. Thái độ đó biểu lộ sự tự trọng của nhà nho. Vì vậy thi ca trào phúng của Nguyễn Khuyến đã biểu lộ hai thái độ tự trào và thế trào.
2.1.1.     Tự trào
Mang danh là một bậc tam Nguyên đáng lẽ thi nhân phải là một kẻ hoàn toàn từ đức tính, tài ba cho đến bổn phận nhưng Nguyễn Khuyến nhận thấy mình còn nhiều khuyết điểm cần phải đem ra để chỉ trích.
Bàn về tài ba cũng như đức tính, Nguyễn Khuyến đã không dấu diếm:
                                      Cờ đang dở cuộc không còn nước
                                     Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách
Gàn môi chén mãi tít cung thang.
                                            (Tự trào)
Nguyễn Khuyến là người rất tự trọng. Ông ý thức được tài năng và đức hạnh của bản thân, dẫu rằng có đôi khi ông cười cợt sự thành đạt của mình:
Học chẳng có rày hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen.
                                         (Di chúc)
Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng thì cái tài tầm chương trích cú của những ông tan khoa tiến sĩ là vô nghĩa. Ngẫm từ mình, ông thấu hiểu sự vô duyên, vô dụng của mình ngay trong hình tượng ông tiến sĩ giấy. Chính ông đã từng đúc kết một cách chua chát:
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh lại bảng vàng
(Tự trào)
Ngay đến thói xấu và say sưa thi nhân vẫn không bỏ được:
      Những lúc say sưa cũng muốn chừa
   Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi chưa chừa được
         Chừa được nhưng ông vẫn chửa chừa.
                                                (Chừa rượu)
Hơn nữa mỗi lần nghĩ đến thái độ bất lực của mình trước thời cuộc đen tối lúc bấy giờ, Nguyễn Khuyến không thể không thể không cảm thấy tủi nhục để rùi thi nhân tự lên tiếng bày tỏ sự hổ thẹn của mình:
Ơn vua chưa chút báo đền
                     Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời
                                                  (Di chúc)
2.1.2.     Thế trào
Thái độ tự trào chỉ để sửa soạn cho sự xoay hướng mũi dùi trào phúng vào xã hội. Có thể nói là Nguyễn Khuyến đã không ngần ngại đem tất cả các hạng người xấu xa trong xã hội để làm đối tượng cho những bài thơ thế trào của mình.
Không cần gươm để giết giặc cứu nước, Nguyễn Khuyến chỉ sử dụng thơ văn với tiếng cười châm biếm, đả kích như một vũ khí chiến đấu. Ông lên án, phơi bày ra hiện thực bản chất xấu xa của họ. Sâu xa đâu đó trong tác phẩm là nỗi đau đớn, chua chát và buồn chán của tác giả về những hiện thực xấu xa trong xã hội. Tiếng cười trào phúng trong thơ ông như nhắc nhở một cách nhẹ nhàng và kín đáo về cách sống, đó là một lời khuyên chân thành của nhà thơ. Thơ ca nhất thiết phải có giá trị đối với con người. Thơ Nguyễn Khuyến là một tiếng cười nhưng là tiếng cười để khuyên đời, làm đẹp cuộc sống.
Cũng hiếm người có được cái nhìn đối với công danh phú quý tỉnh táo như Nguyễn Khuyến. Con người ấy dám vứt bỏ những danh lợi để giữ vẹn toàn danh tiết. Một người vinh hiển đã đến bậc đỉnh chung, đang trên đà thăng tiến, ấy vậy mà dám dừng phắt lại, chối từ tất cả, cam chịu nghèo đói, con người ấy nhất định không phải hạng tầm thường. Có thể nói ông đã đạt đến cái đỉnh cao nhân cách mà các nhà Nho quân tử hằng mơ ước. Chính vì thế mà ông có đủ tư cách để sổ toẹt mọi thứ hình nhân gian giảo, đểu cáng, hèn hạ. Với sự lịch lãm của mình, Nguyễn Khuyến thường hướng sự phẫn nộ vào tầng lớp trên của xã hội. Ông gắn nỗi nhục mất nước, sự suy đồi về phong hóa đạo đức với trách nhiệm của các đối tượng ấy, lấy đó làm lý do đả kích. Bởi thế tinh thần công dân trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến là một đặc điểm rất nổi bật. Những kẻ mang danh rường cột nước nhà, các bậc thượng lưu trí thức thường bị ông đả kích rất sâu cay, nhất là các vị đỗ đạt cao. Trong lịch sử văn chương nước ta, dễ thường chưa có ai đả kích ông nghè cay độc, ác liệt như Nguyễn Khuyến, dù bản thân ông là người hiển đạt. Ông nghi ngờ:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
     Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
      Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi!
                                                                             (Vịnh tiến sĩ giấy)
Mượn tiến sĩ giấy để mắng tiến sĩ thật, Nguyễn Khuyến lên giọng chì chiết: “Giấy má nhà bay đáng mấy xu”. Ông coi nghi lễ rước xách chỉ là trò con trẻ:
Ân tứ dám đâu coi rẻ rúng
Vinh quy ắt hẳn rước tùng xòe
                                  (Mừng ông nghè mới đỗ)
Sự khinh miệt của Nguyễn Khuyến không phải là đồ vô căn cứ. Điều quan trọng đối với ông, khi xét con người, không phải ở cái danh hão mà là ở hành động.
Nhà thơ thống kê một loạt biểu tượng danh giá của ông nghè, người tiến sĩ xưa nhưng thật chất đó chỉ làm bằng giấy thôi. Hình ảnh thơ vừa thực vừa tượng trưng chỉ cốt nói lên rằng: thời này hầu hết ông nghè đang chễm chệ ngồi trên cao đều thực chất là bọn “tiến sĩ giấy” cả, chúng chỉ là thằng hề không hơn không kém, chỉ là hữu danh vô thực, thật là đáng buồn và đáng tiếc thay. Đồng thời ông muốn khuyên con người rằng đừng chạy theo lợi danh mà quên đi những điều liêm sĩ.
Nguyễn Khuyến không ngần ngại tuyên chiến với bọn quan lại này. Vì vậy khi nghe tin một quan tuần mất cướp, vừa mất của vừa bị đánh đòn, thi nhân đã hả hê buông lời châm chọc:                                     
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
             Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
                     Cướp của đánh người quân tệ nhỉ,
                  Xương già, da cóc có đau không.
                                                               (Hỏi thăm quan tuần mất cướp).
Ngay đến các quan Đốc học cũng không thoát khỏi lời công kích. Nguyễn Khuyến mạt sát Đốc học là tay sai của thực dân.
                                        Bổng lộc như ông không mấy nhỉ.
                                       Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây.
Nguyễn Khuyến vạch trần bộ mặt tham lam và đê tiện của bọn thực dân phong kiến và tay sai, chỉ rõ bản chất của lũ cướp nước và bán nước. Ông nói lên cho mọi người biết rằng: Hàng ngũ quan lại là lũ tay sai bù nhìn, là những anh hề trên sân khấu.Có phải chăng rằng ông đang khuyên bọn quan lại ấy hãy thức tình mà là chính mình,đừng chịu mãi sự sai khiến của người khác, đừng là một con rối, một anh hề trong sự giật dây của thực dân.
“Vua chèo còn chẳng ra gì,
                      Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề".
                                                 (Lời vợ anh phường chèo)
Nguyễn Khuyến đã mạnh dạn đứng lên, vạch trần trụi ra rằng những trò chơi, trò vui trong ngày hội Tây thực chất là làm cho đồng bào ta quên đi nỗi nhục mất nước, tham gia một cách vô ý thức vào những trò chơi hạ thấp phẩm già của con người.Chúng ta đọc để mà cười, cười một cách xót xa và đau đớn. Đó phải chăng là một lời cảnh tỉnh của Nguyễn Khuyến cho nhân dân ta, đồng bào ta, những con người ít hiểu biết phải nên cảnh giác trước mọi âm mưu được gói ghém kĩ càng trong những sự việc tưởng chừng như tốt đẹp mà bọn thực dân bày ra để lừa mị con người.
Lời chỉ trích của thi nhân lại nhắm đến hạng bình dân. Người Pháp đến Việt Nam thường tổ chức ngày hội nhân lễ độc lập của họ, thanh niên nam nữ Việt Nam không biết cái nhục vong quốc lại còn hăng hái tham dư, bày cảnh lố lăng:
       Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
     Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
         Vui thế bao nhiêu nhục bay nhiêu.
                                                      
(Hội Tây)
Như vậy chúng ta có thể ghi nhận rằng Nguyễn Khuyến đã cười, đã mỉa mai rất nhiều đối tượng.
2.2. Đặc tính nghệ thuật:
Thái độ trào phúng của thi nhân bao giờ cũng biểu lộ những sắc thái nghệ thuật đặc biệt. Sinh trước tú xương hơn 30năm, được chứng kiến sự biến chuyển của xã hội trong buổi giao thời một cách trọn vẹn, Nguyễn Khuyến không vội vàng hấp tấp. Thi nhân là một nho sinh cho nên không ưa lối biểu lộ tình cảm một cách ồ ạt, suồng sã. Khi châm biếm, đùa cợt Nguyễn Khuyến vẫn giữ được cái cười kín đáo tế nhị và sâu xa. Nó không giống như lối nói đả kích, châm biếm sâu sắc và dữ dội vào các đối tượng mà ông căm ghét như Trần Tế Xương:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Vịnh khoa thi hương)
      Hay tiếng châm biếm sâu cay như Hồ Xuân Hương:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
2.2.1. Lối chỉ trích kín đáo
Khi chỉ trích người, nhà thơ bao giờ cũng giữ sự kín đáo. Chỉ trích quan lại bất tài thi nhân chỉ ví bọn này như Tiến sĩ giấy:
                                     Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
                                   Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Lời lẽ kín đáo được xem là một đặc tính nghệ thuật trong thi ca trào phúng của Nguyễn Khuyến. Thi nhân thường mượn một hình thức tầm thường bên ngoài để che đậy cái nội dung sâu kín bên trong. Mỗi lần muốn chỉ trích một đối tượng nào, nhà thơ thường không nêu đích danh mà chỉ dùng lối gián tiếp. Nói đến quan lại bất tài, Nguyễn Khuyến lại mượn hình ảnh tiến sĩ giấy để lên tiếng công kích mỉa mai:
Mày râu vẻ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu.
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
                                             
(Tiến sĩ giấy)
Đôi lúc lại dựng lên một hoạt cảnh, một vở kịch như “Lời vợ anh phường chèo” để gián tiếp mạt sát vua quan lúc bấy giờ:
Vua chèo còn chẳng ra gì.
               Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.

                                                  (Lời vợ anh phường chèo)
2.2.2. Lời chỉ trích nhẹ nhàng
Không những thế, vì hấp thu đạo đức Nho giáo lại thêm bản tính hiền hoà, lời chỉ trích của Nguyễn Khuyến không phải là nhứng lời trắng trợn, sỗ sàng, thi nhân cho rằng lối răn dạy, sự sửa lỗi phải nhẹ nhàng để người lầm lỗi đủ bình tĩnh nghiệm xét, may ra mà sửa lỗi chăng? Khi nhắm đến ông đốc Hưng Yên, Nguyễn Khuyến chỉ dùng những lời thật hiền lành:
Ông làm đốc học bấy lâu nay,
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay.
Tóc bạc răng long chừng đã cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
(Mừng đốc học Hà Nam)
2.2.3. Ý sâu sắc chua cay
Nhưng khi những thói hư tật xấu tiếp diễn, nho sinh có bổn phận khôi phục và duy thế đạo nhân tâm, nho sinh không chấp nhận tội lỗi, vì nếu lời trào phúng nhẹ nhàng hời hợt thì nhiệm vụ hoàn lương xã hội làm sao trọn vẹn được. Lời chỉ trích không nặng nề, song ý tứ phải sâu xa và nếu cần chứa luôn sự chua chát. Cái cười cảu Nguyễn Khuyến đậm đà, xa xôi. Như khi muốn mắng bọn quan lại hống hách, thi nhân đã dùng những cười cợt nhẹ nhàng, nhưng khi đi vào chiều sâu chúng ta mới thấy là những mạt sát:
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.
                                                                             (Ông nghè tháng tám)
     Ngắm nghía ông tiến sĩ giấy, thi nhân thấy giá trị của nó hèn kém có khác chi bọn dốt nát nhờ nịnh bợ luồn cúi mà đỗ đạt:
Mày râu mặt ấy vang trong nước,
 Giấy má nhà bay đáng mấy xu.
                                                            (Tiến sĩ giấy).
Đọc qua nghe nhẹ nhàng, nhưng suy kỹ, biết thâm ý của Nguyễn Khuyến mới hay đó là lời mạt sát.Tính chất thâm trầm chua cay lại càng rõ ràng hơn chúng ta đọc đoản kịch trào lộng “Lời vợ phường chèo”. Thật vậy, thái độ ấm ớ, ngớ ngẩn của anh phường chèo:
Xóm bên đông có phường chèo trọ,
         Đang nửa đêm với vợ chuyện trò.
Rằng ta thường làm quan to,
              Sao người xem chẳng ra trò trống chi?
                                                                              (Lời vợ anh phường chèo)
Giữa đêm khuya đem chuyện vớ vẩn hỏi vợ thì thiệt là điên. Không những thế, chàng ta ngu dốt và liêm sỉ đến độ:
Vợ giận lắm mắng đi mắng lại,
Tuổi đã già sao dại như di.
Nửa đêm sao chẳng biết gì,
          Người ta biết đến thiếp thì hổ thay.
                                                                      (Lời vợ anh phường chèo)
      Đừng tưởng Nguyễn Khuyến muốn nói đến chuyện phường chèo, lời lẽ trên thi nhân dành cho bọn quan lại trong triều lúc bấy giờ đấy! Vợ mà mắng chồng vì chồng là kẻ tồi, lại mắng đi mắng lại vì chồng ngu. Vợ biết hổ thẹn trong khi chồng trơ ra không biết nhục. Thật là những lời chua cay mà Nguyễn Khuyến đã gửi đến bọn quan bù nhìn.
2.2.4. Thái độ quân tử
Dù sao, Nguyễn Khuyến cũng là bậc túc nho cho nên khi chỉ trích người đời thi nhân phải bảo vệ tác phong quân tử của mình. Thật vậy, trước khi thế trào, Nguyễn Khuyến đã tự trọng, đem cái xấu xa của mình ra để mỉa mai:
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
   Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
                                                          (Tự trào)
Khe khắt với mình xong mới bắt đầu lên tiếng sửa sai người đời. Lời trào phúng của Nguyễn Khuyến luôn luôn có tính cách xây dựng, mang nhiều tính chất giáo dục làm cho những đối tượng bị thi nhân trêu chọc ngẫm nghĩ và nghiệm xét hành động mình. Họ đã lĩnh hội lời khuyên nhủ của Nguyễn Khuyến. Sau khi chỉ trích bọn thanh niên nam nữ bày trò lố lăng, tạo cảnh vong quốc trong ngày Hội Tây, Nguyễn Khuyến đã kết thúc bằng lời khuyên của một người lớn đối với hậu sinh:Khen ai khéo vẽ trò vui thế,/Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu. (Hội Tây)










PHẦN KẾT LUẬN
Thơ văn Nguyễn Khuyến thường mang nhiều nét có tính chất trào lộng, châm biếm. Tính chất châm biếm, trào lộng này cũng do nội dung tư tưởng của thơ văn ông và tình trạng tầng lớp ông quy định. Thái độ trào phúng của Nguyễn Khuyến thường nhẹ nhàng, mát mẻ, nhiều kín đáo nhưng chua chát, sâu cay và thâm thúy. Mức độ trào phúng của nhà thơ cao hay thấp, nặng hay nhẹ tùy từng đối tượng. Và thái độ châm biếm của ông thường là thái độ kẻ đàn anh đứng vị trí trên mà nhiếc móc, mỉa mai kẻ dưới.
Nhà thơ bao giờ cũng có thể đứng cao hơn đối tượng bị châm biếm, đả kích cả về tài năng và nhân cách. Chính điều này đã tạo nên uy lực trong tiếng cười trào phúng.Ông nói lên những điều ai cũng biết mà không dám nói ra để thành không ai biết.Nguyễn Khuyến làm những bài thơ châm biếm đó cho mọi người đọc,mọi người cười để rồi ngỡ ngàng nhìn lại thì đó chính là một phần của mình.Đó là một cách mà nhà thơ muốn cải tạo dù chỉ là một phần nào đó vô cùng nhỏ bé của xã hội, làm cho nó dần tốt đẹp hơn.Bên cạnh những bài thơ trào phúng, Nguyễn Khuyến còn viết những bài thơ tự trào, đem sự bất lực, bạc nhược của mình để mỉa mai, chế giễu.Đó cũng là nụ cười đắng cay và cũng là dũng khí của nhà thơ.Ông mạnh dạn nói về bản thân mình phải chăng để mọi người cũng như thế, cũng mạnh dạn nhìn vào những mặt hạn chế trong con người mình chứ không trốn tránh và xuôi theo nó.“Cờ đương dở cuộc không còn nước/Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”
Nguyễn Khuyến là một con người đa tài trong thơ ca, trong cả lĩnh vực thơ thiên nhiên và thơ tráo phúng.Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến thức đúng như lới nhận xét của giáo sư Dương Quản Hàm :Đó là những vần thơ nhẹ nhàng kín đáo nhưng là lời khuyên răn sâu sắc và ý nghĩa của một bậc quân tử.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Nguyễn Đăng Na (chủ biên), (2006), Văn học trung đại Việt Nam. Nxb ĐHSP Hà Nội.
2.      Nguyễn Phong Nam, (2001), Dấu tích văn nhân, Nxb Đà Nẵng.
3.      Mai Hương, (2008), Nguyễn Khuyến thơ và những lời bình, Nxb Văn hoá thông tin.
4.      Nguyễn Lộc, (2005), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo Dục.
5.      Tuấn Thành, Anh Vũ, (2007),  Nguyễn Khuyến tác phẩm và lời bình. Nxb Văn học.
6.       Vũ Thanh, (2001), Tác gia và tác phẩm,  Nxb Giáo Dục.
7.      Nguyễn Văn Huyền, (1984), Nguyễn Khuyến tác phẩm,  Nxb Khoa học xã hội.
8.      Vũ Tiến Quỳnh(1992), Nguyễn Khuyến, Nxb Khánh Hoà.

















    
















2 nhận xét: