Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Đặc điểm của bi kịch Hy Lạp cổ đại

Đặc điểm của bi kịch Hy Lạp cổ đại
Arixtôt đã từng nhận định: Bi kịch Hy Lạp là một vẻ đẹp của Hy Lạp cổ đại, là một thành tựu quan trọng bậc nhất của nền văn học Hy Lạp trong thời kỳ cổ điển của nó. Thể loại bi kịch là một bước phát triển cao của nghệ thuật thơ ca (Hêghen).
Vốn có nguồn gốc từ trong dân gian, bi kịch hình thành cùng với sự ra đời và phát triển của các ca khúc đitirirrambơ của lễ thần Điônizôx – thần rượu nho, thần say, thần hoan lạc. Tuy nhiên xã hội Aten trong hai thế kỷ VI và V (tr.C.N) là miếng đất nuôi dưỡng cho bi kịch trưởng thành. Đó là thời kỳ của sự hình thành nhà nước chiếm hữu nô lệ và sự xung đột xã hội gay gắt trong cuộc đấu tranh giai cấp của nô lệ chống lại giai cấp thống trị. Vì vậy ở Hy lạp và ở Aten phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ chống độc tài chuyên chế cũng sôi nổi khắp nơi kéo dài suốt mấy thế kỷ. Bi kịch Hy Lạp đã ra đời trong bối cảnh lịch sử đó.
Từ những xung đột xã hội ấy, tinh thần dân chủ, tự do của thời đại, những đổi mới của nhà nước dân chủ chủ nô đã gợi mở cho con người thời bấy giờ một cái nhìn mới đối với thế giới, đối với thực tại, đối với bản thân nó. Con người tự ý thức về vai trò của bản thân trong thế giới, trước cuộc đời, ý thức về thân phận của nó. Những suy tư và khát vọng, những trăn trở và đấu tranh, tất cả những điều đó được trỗi dậy trong con người thời đại, trong “mẫu người mới” “có trình độ phát triển nhất định về chất người” hơn thời kỳ lịch sử trước đó, thời kỳ con người còn sống trong màn sương mờ của huyền thoại.
Buyse trong “Để bảo vệ thơ ca” đã nói: “Một nghệ thuật mới đã xuất hiện” đồng thời với sự “xuất hiện con người mới”. Và đó cũng là nguồn gốc xã hội đích thực của sự ra đời của bi kịch. Tuy nhiên khi mới phôi thai bi kịch đã vay mượn hình thức biểu diễn của đội đồng ca đitirrambơ (ca khúc trữ tình được hát và múa trước nữ thờ thần trong các buổi tế lễ thần Điônixôz). Những bài hát, điệu múa mang nội dung than thở cho cuộc đời gian truân của thần hoặc ca ngợi công đức của thần. Bên cạnh những bài hát điệu múa buồn cũng có những bài hát điệu múa vui nói về đoàn tùy tùng của thần. Ban đồng ca có đội trưởng, có hóa trang, và các thành viên trong ban đồng ca khoác áo  da dê, bắt chước điệu múa của con dê khi ca hát. Từ đó mà có chữ Traghédie ( nghĩa là bi kịch) bao gồm hai thành phần tragos (nghĩa là con dê) và Ode (nghĩa là bài ca) – bài ca con dê.
Nhân dân Hy lạp sở dĩ chọn thần rượu nho Điônixôz để thờ cũng tế lễ vì vị thần này gắn liền với sản xuất nông nghiệp quan trọng của họ: nghề trồng nho và làm rượu nho. Do đó sau những vụ bội thu, lễ tế thần càng được tiến hành tưng bừng. Họ gửi gắm niềm vui, nỗi buồn của mình trong những bài ca điệu múa ấy. Ca vui là niềm hoan lạc của họ sau một vụ nho bội thu, bài ca buồn nói về cuộc đời gian nan, đau khổ của thần, thể hiện cuộc đời một nắng hai sương vất vả của người lao động trồng nho. Những ca khúc vui là nguồn gốc của hài kịch, những ca khúc buồn là nguồn gốc của bi kịch. Ở buổi đầu phát triển của bi kịch, vai trò của đội đồng ca rất quan trọng, thường là đại diện cho trí tuệ, tình cảm, tiếng nói của quần chúng, đứng ra phân tích tình huống, tường thuật sự kiện, khuyên giải nhân vật, tâm sự với khản giả… Tuy nhiên vai trò quan trọng đó đã dần dần mất đi, điều đó đã thể hiện trong bi kịch Ơripit, cho đến cuối thế kỷ VI tr.C.N. Lúc đó diễn viên không còn đối thoại với đội đồng ca nữa mà chỉ đối thoại với nhau, hành động kịch khai triển hầu như độc lập với sự hiện diện của đội đồng ca.
Nói đến sự ra đời và phát triển của bi kịch Hy Lạp cổ đại và những thành tựu lớn lao của nó là phải nói đến ba tác giả lớn, ba tên tuổi bất tử: Esin, Xôphôclơ, Ơripit. Cuộc đời của họ gắn liền với sự thăng trầm của nhà nước dân chủ chủ nô Hy Lạp và sáng tác của họ đã phản ánh hiện thực của thời đại với nội dung nhân văn sâu sắc và nghệ thuật kịch được các chuyên gia nghiên cứu sân khấu đánh giá là “khuôn mẫu” cho đời sau học tập dù nó còn có những hạn chế về điều kiện lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét