Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Iliat – một kiệt tác bất hủ của sử thi Hi Lạp

     Iliat – một kiệt tác bất hủ của sử thi Hi Lạp
“Iliat là bản trường ca về cuộc chiến tranh diễn ra ở thành Tơroa (còn có tên gọi là thành liông), giữa quân Hi Lạp và quân Tơroa. Tác phẩm gồm 15.693 câu thơ, lúc đầu được truyền bằng miệng, sau đó đến thời tiến vương Pifitơrat <600-527> tr.CN của Aten thì được biên soạn lại thành 24 khúc ca.
Iliat không thuật lại tất cả nội dung của truyền thuyết mà chỉ mô tả những sự kiện xẩy ra trong vòng 50 ngày trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thành Tơroa. Cảnh thành Tơroa bị tàn phá… bản trường ca đều không đề cập đến. Nội dung cụ thể của bản trường ca này được Hôme giới thiệu ngay qua những câu thơ mở đầu.
Hỡi các nữ thi thần, hãy ca lên cơn giận của Asin, cơn giận xiết bao tai hại đã đem đến cho những người Skêen muôn vàn đau khổ… Hỡi các nữ thần hãy ca lên từ lúc xẩy ra cuộc tranh cãi làm chia rẽ người con trai Atơrê, người che chở cho nhân dân mình, với Asin thần thánh”.
Như vậy Iliat là câu chuyện kể về cơn giận của Asin và những hậu quả của nó xẩy ra trong thời gian ngắn vào năm thứ 10 của cuộc chiến tranh thành Tơroa.
Nội dung của Iliát có thể tóm tắt thành những dòng như sau: “Một tướng lĩnh Hi Lạp là Asin cãi cọ với người quyền thế cao hơn mình là Agamemnông vì bị bắt mất nàng Brizêix nên chàng không tham gia chiến trận. Sự vắng mặt của chàng làm cho quân Akêen suýt nữa không còn cơ hội trở về Hi Lạp vì các chiến thuyền của họ bị Hecto, người dẫn đầu quân Tơroa đốt cháy. Trước tình hình ấy dù đang giận hờn, Asin cũng cho bạn mình là Patơrôcơlơ mượn áo giáp và vũ khí để ra trận. Patơrôcơlơ bị Hécto giết chết. Nỗi đau thương và khát vọng trả thù đã khiến Asin quay laị chiến trường và chàng đã giết chết Hécto”.
Bản trường ca kết thúc với lễ mai táng long trọng của Hécto. Khen ngợi tài năng kết cấu của Hôme, Flaxơlie cho rằng Iliat đã được kết cấu như một vở kịch cổ điển (phần đầu: cuộc cãi cọ giữa Asin và Agamemnông; phần khai triển những sự kiện về chành Patơrôclơ; phần kết cái chết của Hécto) và nếu đứng trên luật “ba duy nhất” và xét thì cũng có thể được ( duy nhất về hành động: diễn biến nội tâm của nhân vật Asin; duy nhất về địa điểm: khoảng không gian từ thành Tơroa đến những chiến thuyền của người Akêen; duy nhất về thời gian: thời gian 50 ngày cuối cùng của năm thứ 10 cuộc chiến tranh thành Tơroa). Và cũng theo ông, với kết cấu đó, nhà thơ thiên tài đã giúp ta có một cái nhìn bao quát đối với chiến tranh thành Tơroa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét