Ân tình - một biểu hiện của tính dân tộc trong văn học
Ân tình là những tình cảm thân thiết sâu nặng, gắn bó giữa người với người. Là vẻ đẹp quý báu của dân tộc, ăn sâu vào nếp sống, nếp sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ta. Về ân tình theo từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê (chủ biên) đã định nghĩa: Ân tình là tình nghĩa thắm thiết do có chịu ân sâu với nhau [18, tr.23].
Ân tình đó là những tình cảm tốt đẹp nhất, là nét tâm lí, là truyền thống tốt đẹp ăn sâu trong mỗi người dân ta từ bao đời nay. Con người sống chung trong một cộng đồng phải biết tương thân, tương ái lẫn nhau, phải sống có ân có tình với nhau. Ân tình còn là một biểu hiện của tính dân tộc trong văn học, mà cụ thể là ở tính cách dân tộc.
Tính dân tộc đó là một vấn đề quan trọng lí luận Macxit đặc biệt là đường lối văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam. Tính dân tộc được xem là trọng điểm cơ bản chỉ đạo công tác văn hóa văn nghệ của Đảng ta trong suốt quá trình phát triển từ trước đến nay. Tính dân tộc còn là phạm trù lịch sử phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Có tính chất dân tộc phong kiến, tính chất dân tộc tư sản và tính chất dân tộc vô sản, nó luôn gắn liền với mục tiêu chính trị cụ thể và mang tính giai cấp rõ rệt. Tính dân tộc còn là phạm trù thẩm mỹ, là thuộc tính tất yếu của văn học. Nói đến tính dân tộc của văn học là nói đến những giá trị, tinh hoa, bản sắc độc đáo của văn nghệ dân tộc, tính dân tộc thể hiện phạm trù phẩm chất vì nó hình thành trên tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Tính dân tộc còn là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của tác phẩm văn học và được thể hiện qua các yếu tố của tác phẩm văn chương cả về nội dung và hình thức như: đề tài, chủ đề, tư tưởng, hình tượng, tính cách, thể loại, ngôn ngữ,…có thể nói “có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm văn chương là có bấy nhiêu chỗ để tính dân tộc biểu hiện” [15, tr.146]. Tính dân tộc bộc lộ trong một chỉnh thể và biểu hiện rất đa dạng. Đó có thể là “màu sắc” dân tộc thể hiện ở ngôn ngữ, thiên nhiên, phong tục tập quán, sinh hoạt,…Nói về thiên nhiên dân tộc không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà nó thấm vào hình ảnh của con người, hình ảnh ngôn ngữ thể hiện dáng nét tâm hồn riêng của dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua việc miêu tả cái nắng của nhà thơ Tố Hữu, cái nắng của miền quê Việt Nam thật không lẫn với bất kỳ cái nắng nào khác: Nắng cháy, nắng lửa, nắng khét, nắng rát, nắng rực, nắng chang chang,…chính sự miêu tả này đã làm tăng thêm sức sống và vẻ đẹp của dân tộc ta. Thiên nhiên là một đề tài nhỏ mà các văn nghệ sĩ đã đi vào khai thác thế nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ cho ta thấy phong cảnh và vẻ đẹp của quê hương, đất nước, nó đã góp phần làm tăng thêm tính dân tộc trong văn học. Hình ảnh thiên nhiên Việt Nam đẹp hơn khi đến với những vần thơ của Tố Hữu, thiên nhiên in đậm dấu ấn dân tộc ta dưới ngòi bút tài năng của nhà thơ
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt…
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca
(Ta đi tới)
Hay hình ảnh thiên nhiên in đậm qua những con sóng biển chan hòa
Bóng dừa xanh, quanh sóng biển lam
Óng ánh lúa chan hòa mặt đất
(Miền nam)
Không chỉ có vậy đất nước ta còn đẹp một vẻ đẹp khách quan khi Tố Hữu miêu tả thiên nhiên dưới cái nhìn của người nước ngoài
Những đồng xanh bốn mùa hoa lá
…Những dòng sông của thi ca nhạc họa
(Êmyli, con...)
Đâu chỉ có Tố Hữu mà còn biết bao văn sĩ cũng đã viết về đề tài thiên nhiên và đã làm tăng thêm tính dân tộc của văn học. Ở mỗi dân tộc đều có những vẻ đẹp riêng không lẫn lộn với bất kì dân tộc nào, vì thế khi tiếp xúc với một tác phẩm văn chương ta có thể tìm thấy vẻ đẹp của dân tộc ấy, của con người ấy, viết về thiên nhiên Nga chúng ta không thể không biết đến nhà thơ Puskin khi ông miêu tả những hàng bạch dương thẳng tắp, và những con người mạnh mẽ thể hiện một sự kiên định trong tính cách Nga…hay khi nói đến đất nước Nhật Bản ta nghĩ ngay đến xứ sở của loài hoa anh đào, nghĩ đến những con người suốt đời theo đuổi và nâng niu cái đẹp
Tính dân tộc không chỉ biểu hiện ở màu sắc, vật thể, đường nét có thể nắm bắt được mà sâu hơn là sự biểu hiện ở tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc đó là cái cốt lõi, cái tạo nên hồn thơ dân tộc. Gôgôn, một nhà văn hiện thực vĩ đại Nga đã từng nhận xét rằng: “Nhà thơ vẫn có thể là nhà thơ dân tộc ngay cả khi ông viết về một thế giới khác lạ, nhưng nhìn nó bằng con mắt của dân tộc mình, cảm thấy và phát biểu theo lối mà đồng bào ông đang cảm thấy và phát biểu” [16, tr.103]. Tính dân tộc là phạm vi thể hiện của tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc thể hiện ở tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc với cuộc đời. Đó là những nét tính cách tốt đẹp được lặp đi lặp lại tạo thành tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc thấm sâu vào toàn bộ các yếu tố của tác phẩm, do đó độc giả khi tiếp xúc với tác phẩm văn học ấy đều tìm thấy ở đó những giá trị đích thực của dân tộc. Phẩm chất dân tộc, cốt cách dân tộc là tiêu chuẩn hết sức quan trọng để đánh giá một tác phẩm văn học. Trong những nét tính cách và phẩm chất dân tộc ấy, ân tình là một nét thuộc tính cách dân tộc. Tính cách dân tộc bao gồm nhiều yếu tố: tâm lí, ý thức tình cảm, nếp cảm nghĩ, cách tư duy, phong tục tập quán, lối sống,…đồng chí Trường Chinh đã từng phát biểu: “Miêu tả những con người mới Việt Nam phải hệt Việt Nam, ném vào bất cứ nước anh em nào cũng không thể lẫn được, như thế mới là hiện thực” hay đồng chí Phạm Văn Đồng cũng từng viết: “Muốn miêu tả tính dân tộc của các dân tộc thì phải xây dựng những nhân vật điển hình mang tâm hồn và tính cách Việt Nam, miêu tả những con người mới phải hệt Việt Nam”. Khi nói đến tính dân tộc ta không nên hiểu tính dân tộc là những nét riêng biệt, độc đáo mà dân tộc đó mới có. Có người cho rằng bài thơ “chào xuân 67” của Tố Hữu là bản sơ kết về đặc trưng bản chất của con người Việt Nam. Đó là sức mạnh Việt Nam, tự hào Việt Nam, nhân nghĩa Việt Nam, triết lí Việt Nam, truyền thống Việt Nam, sứ mệnh Việt Nam,…Đặc biệt ở thơ Tố Hữu ta thấy ân tình luôn luôn được biểu hiện ra như một nét tâm lí dân tộc cổ truyền rất sâu và bền đó là: anh bộ đội nhớ mẹ, đó là nỗi nhớ nhung sâu nặng nghĩa tình của người về đối với người ở lại, nhân dân nhớ ơn Đảng, Bác và ngược lại. Ân tình là nét tâm lí ăn sâu và bền trong dân tộc ta, nó là nét tính cách dân tộc, thể hiện tinh thần của dân tộc. Vẻ đẹp ân tình từ bao đời nay vẫn thấm đẫm trong dòng văn học dân tộc, bởi đây là nét tính cách tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta. Do vậy ta có thể khẳng định rằng ân tình là một ví dụ điển hình, một biểu hiện của tính dân tộc trong văn học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét