Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình qua hai đoạn trích: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều”

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình qua hai đoạn trích: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều”
Nguyễn Du là bậc thầy ngôn từ của thơ ca Việt Nam, là ngòi bút thiên tài trong việc sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình để nói lên tâm trạng con người. Bút pháp tả cảnh ngụ tình ở đây được hiểu là mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng của nhân vật. Cảnh không chỉ là bức tranh tâm trạng mà còn là nơi con người có thể giãi bày tâm trạng của mình, trong tình có cảnh, trong cảnh có tình. Vì vậy mà Nguyễn Du đã đưa ra quan điểm của mình khi ông tả cảnh:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Nguyễn Du với ngòi bút điêu luyện, tinh tế trong lối miêu tả cảnh ngụ tình đã đưa tâm hồn con người hòa vào cảnh vật. Nhưng cũng đồng thời lấy hình ảnh con người soi dọi tâm hồn tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa hai chiều. Vì vậy, mà trong suốt thiên truyện, mỗi bước chân của Kiều đều được gắn với hình ảnh của thiên nhiên. Trong truyện Kiều nghệ thuật tả cảnh ngụ tình thật muôn hình vạn trạng, mỗi một bức tranh thiên nhiên lại gắn với một tâm trạng của con người, soi dọi con người, giúp cho nhân vật gửi gắm tâm trạng của mình. Nghệ thuật ấy đã vẽ nên những bức tranh tả cảnh ngụ tình đạt đến tuyệt bút. Người đọc không thể quên được bức tranh hòa quyện tình cảnh trong đoạn “Kiều ở Lầu Ngưng Bích
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là sự kết hợp, giao hoà của hai yếu tố cảnh vật và tâm trạng. Hay nói cách khác đó là đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình- một bức tranh tả cảnh ngụ tình đạt đến tuyệt bút.       Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện- Gia biến và lưu lạc, như những cụm mây đen đầu tiên che phủ lên cuộc đời Kiều. Đành đoạn dứt tình với Kim Trọng, nàng nguyện hiến thân cứu cha. Cái trong trắng của một tiểu thư từ nhỏ được mẹ cha bảo bọc, tình phụ tử sâu nặng và lòng hiếu thảo của đứa con ngoan đã đẩy nàng Kiều vào vòng lừa lọc từ những kẻ buôn người. Nỗi uất ức của nàng được Tú Bà xoa dịu bằng ngày tháng giam cầm ở lầu cao với cớ rằng để nàng tịnh tâm, bình phục. Những vần thơ buồn mênh mang như gieo vào lòng người đọc nỗi niềm sót xa không nguôi.
Trước hết, Nguyễn Du diễn tả nỗi cô đơn của Kiều. Câu thơ đầu đã đưa người đọc vào không gian tù hãm nên cảnh vật do đó cũng nhuốm mầu tâm trạng:
“ Trước lầu ngưng bích khóa xuân”
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.”
Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, hai chữ "khóa xuân" đã nói lên điều đó. Chữ khóa xuân lấy từ điểm tích Chu Du bị gió đông cản việc phóng hỏa đốt trại Xích Bích, nên Đổng Tước không bị cháy, nhưng chính vì đó đã khóa chặt tuổi xuân hai chị em Đại kiều và Tiểu Kiều:
“ Đông phong bất dữ chu lang tiện
Đổng tước xuân tâm tỏa nhị Kiều”
Qua đó chúng ta nhận thấy đó là không gian tù hãm. Khung cảnh thiên nhiên ở đây được vẽ ra bằng khung cảnh nội tâm nhân vật. Cảnh vắng lặng, tuyệt đối không có một chút âm thanh, một bóng người như càng được cô lập Kiều trong sự cô đơn đến rợp người.  Bởi vậy, dù có cả "vẻ non xa" lẫn "tấm trăng gần" nhưng cảnh vật ấy chẳng thể nào gợi lên một chút tươi vui hay ấm áp. Nhà thơ đã dùng hai chữ "ở chung" thật khéo. Kiều trông thấy tất cả những thứ đó nhưng với nàng, chúng chẳng khác gì nhau và càng không có gì đặc biệt. Hai yếu tố trái ngược non xa, trăng gần tưởng như phi lí nhưng thực ra đã diễn tả rất chính xác sự trống trải của cảnh vật qua con mắt của Kiều. Khung cảnh "bốn bề bát ngát" chỉ càng khiến cho lòng người thêm gợi nhớ:
                                 “Bốn bề bát ngát xa trông  
                            Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.”         
Có thể hình dung rất rõ một không gian mênh mang đang trải rộng ra trước mắt Kiều. Một người bình thường đứng trước không gian ấy cũng khó ngăn được nỗi buồn. Với Kiều, không gian rộng rãi, trống trải ấy chỉ càng khiến nàng suy nghĩ về cuộc đời mình:                 
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”
Đó là một khung cảnh thiên nhiên rộng mênh mông, vắng lặng không một bóng người. Cái vắng lặng của thiên nhiên và cái mênh mông của đất trời đã khắc sâu vào trong lòng người cảm giác cô đơn. Trong tâm hồn Thúy Kiều và dồn tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót đau thương. Chỉ sáu câu thơ, bằng nét bút chấm phá tài hoa, bức tranh thiên nhiên luôn làm nền cho hoạt động nội tâm của Kiều. Cảnh tình như hòa hợp làm một: cảnh buồn, tình buồn, ngôn ngang tâm trạng buồn tủi, cô đơn của Kiều thể hiện sâu lắng. Qua đó chúng ta thấy được sự thành công của Nguyễn Du trong việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Theo dòng tâm trạng của Kiều câu thơ bắt vào nỗi nhớ:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”
Khác với tâm trạng Thúy Kiều khi xa Thúc Sinh và xa Từ Hải sau này. Nỗi nhớ Kim Trọng gắn liền với kỷ niệm của đêm trăng thề nguyền qua hình ảnh “dưới nguyệt chén đồng”. Một lần nữa ánh trăng lại hiện ra. Ánh trăng là nhân chứng của tình yêu vẫn còn đó, lời thề: “tạc một chữ đồng đền xương” vẫn chưa ráo một người, một ngả chia xa. Người thì “rày trông mai chờ”, người thì bên trời “góc bể bơ vơ”. Lời thơ ít, ý thơ nhiều, những hình ảnh thơ chọn lọc đã diễn tả được nỗi nhớ nhung da diết mạnh liệt của Kiều đối với Kim Trọng và tình cảnh bơ vơ của nàng. Càng nhớ đến Kim Trọng thì Kiều lại càng đau đớn cho thân phận mình, càng nuối tiếc mối tình đầu trong trắng, nàng càng ý thức được thân phận mình. Sau nỗi nhớ Kim Trọng đó là nỗi nhớ cha mẹ:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.
Nàng đã nhớ thương cha mẹ khôn nguôi. Chỉ bốn câu thơ độc thoại nội tâm mà tấm lòng hiếu thảo của Kiều đã được Nguyễn Du thể hiện thật cao đẹp và xúc động. Với bút pháp tài hoa độc đáo trong việc sử dụng sáng tạo ngôn ngữ văn học. Nguyễn Du đã khắc họa được bức tranh phong phú và sinh động về ngoại cảnh và tâm trạng qua việc sử dụng điểm tích cổ của Trung Quốc. Từ những nỗi niềm buồn thương đó, Nguyễn Du đã khéo léo tô thêm màu xám trên ánh nhìn xa xăm của Kiều, đẩy sầu não lên thành đỉnh điểm, qua tám câu khép lại đoạn trích:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.”
Nhà thơ đã lấy khung cảnh thiên nhiên để làm nền sự vận động nội tâm của nhân vật trữ tình. Tất cả đều trở nên hoang sơ: “ Cửa bể chiều hôm” - thời điểm quen thuộc của nghệ thuật, của những lưu luyến khó tả. Đó là những hình ảnh những tia nắng leo lắt cuối ngày phản chiếu lên mặt biển xanh thẳm rồi lan ngay ra không gian xung quanh, khiến mọi thứ nhuốm màu sẫm tối, có cái gì như niềm lưu luyến tha thiết của Kiều về ngày tháng êm đềm xưa kia. Con thuyền và  những cánh buồm đều ở rất xa, thoắt ẩn thoắt hiện trong ánh hoàng hôn trĩu buồn, như niềm hy vọng của nàng chỉ là những chấm nhỏ ngoài khơi xa mịt mờ, những từ thấp thoáng, xa xa càng khiến hy vọng nhạt nhòa. Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi trong lòng Kiều nỗi buồn về thân phận trôi nổi, không biết rồi sẽ bị trôi dạt, bị vùi dập ra sao:
                                       "Buồn trông ngọn nước mới xa        
                                      Hoa trôi man mác biết là về đâu!"    

Cánh hoa mỏng manh dập dìu trước ngọn nước từ trên cao đổ xuống. Thử hỏi, cánh hoa mỏng manh ấy làm sao chịu nổi sức nước tràn? Cũng giống như Kiều, một người con gái nhỏ bé, yếu ớt nhưng bị cuộc đời xô đẩy. Nhìn cảnh vật mà Kiều xót xa cho duyên phận, số kiếp của mình. Sau hình ảnh một cửa biển, một cách hoa giữa dòng nước là cảnh của một nội cỏ, nhưng là nội cỏ dầu dầu:                                                                                      
                                        "Buồn trông nội cỏ dầu dầu 
                                 Chân mây mặt đất một màu xanh xanh".
Tuy nhiên, bãi cỏ không còn mang màu xanh tươi như tiết thanh minh tháng ba mà nó “rầu rầu” gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương. Xanh trời nối tiếp xanh đất nhưng xanh nào cũng là màu xanh tàn úa, héo hắt. Màu xanh tàn héo ấy khiến cho bức tranh trở nên ảm đạm. Kiều nhìn vào màu xanh mong tìm kiếm chút hy vọng nhỏ nhoi, nhưng càng hy vọng thì càng thất vọng. Kiều lại rơi vào nỗi thất vọng ngập tràn. Cảnh buồn hay vì người buồn nên cảnh mới buồn. Nàng Kiều đã thật sự tuyệt vọng, cảnh vật mang mầu tâm trạng. Nhìn cảnh vật u ám như tương lai mờ mịt của nàng. Cảnh vật đưa nàng vào suy nghĩ dằn vặt và đau xót hơn:                                                   
                             ”Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,   
                          Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
      
Trong lúc tuyệt vọng nhất, Kiều thấy mình dường như chao đảo. Từng ngọn gió mạnh thổi sóng vỗ ầm ầm. Cảnh vật dường như cũng đang nhuốm mấu hưu quạnh, mang tâm trạng của Kiều, mặt biển dậy sóng, lòng Kiều cũng dậy sóng. Những đợt sóng dữ dội như dự báo trước điều bất an, như cảnh báo một tương lai bão táp đang chờ Kiều trước mắt. Người con gái tài sắc trong hoàn cảnh đó đã hoảng loạn vô cùng. Và toàn bộ tám câu thơ kết thành một bức tranh thiên nhiên toàn cảnh với mặt biển, chân mây, cánh hoa, nội cỏ, sóng gào, gió cuốn vừa buồn thảm, vừa ghê sợ. Bức tranh thiên nhiên ấy đồng thời mang tâm trạng và hoàn cảnh cô đơn, tâm trạng hãi hùng trước tương lai mờ mịt. Đoạn thơ nói lên hiện tại lẻ loi, đơn độc và báo hiệu ngày mai đầy khủng khiếp của nàng. Qua đó, chúng ta thấy được ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Du trong việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên để nói lên tâm trạng của Thúy Kiều thật đúng với lời khen ngợi: “như máu chảy ở đầu ngọn bút và thấu nghìn đời”.
Nếu như trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du thông qua hình ảnh thiên nhiên để nói lên tâm trạng buồn cô đơn của Thúy Kiều thì ở đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” Nguyễn Du cũng đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên để ghi lại giây phút từ biệt và nỗi buồn của Kiều đối với Thúc Sinh cũng như đối với số phận của mình. Nỗi buồn ly biệt từ lòng người.
Đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều”, gồm tám câu năm trong phần lưu lạc và gia biến. Có thể nói đây là đoạn trích tả cảnh ly biệt đặc sắc nhất. Cảnh ly biệt có kẻ ở người đi, có bao nhiêu bịn rịn như bao cảnh chia ly khác nhưng cái đẹp ở đây chính là sự hòa hợp giữa cảnh vật và con người. Cảnh vật cũng như nhuốm màu ly biệt. Cả không gian, thời gian đều nhuốm màu chia ly.
“Người lên ngựa  kẻ chia bào.
                           Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

 Đây là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với rừng phong thu bát ngát rộng lớn. Cả một "rừng phong thu" bao la đỏ ối "đã nhuốm màu quan san", nơi xa xôi cách biệt. "Màu quan san" ấy gợi cho ta cảnh ly biệt vẫn thường diễn ra vào mùa thu. Nỗi nhớ thương của đôi lứa khi chia tay, từ lòng người như thấm sâu vào cảnh vật, vào không gian bao la, vào sắc lá của "rừng phong thu".
Kim Trọng đi, Kiều ở lại, một mình đựng lặng lẽ, cô đơn, hướng mắt theo Kim Trọng. Cảm giác lưu luyến bin rịn khôn nguôi, cảm xúc tạo nên cái cảm xúc biên thùy:
                                "Dặm hồng bụi cuốn chinh an,     
                     Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh".     

Con đường đỏ bụi “dặm hồng”, bụi cuốn lấy yên ngựa của người đi xa “bụi cuồn chinh an”. Kiều trông theo bóng hình Thúc Sinh, người chồng, vị ân nhân của nàng, nhìn mãi, nhìn mãi cho đến lúc chỉ thấy màu xanh của ngàn dâu mờ xa cuối chân trời. Chữ "trông" và chữ "khuất" diễn tả tình cảm lưu luyến khôn nguôi. Từ màu đỏ của "rừng phong thu" đến màu "hồng" của bụi cuốn, màu "xanh" của ngàn dâu, đó là màu của tâm tưởng, màu của biệt li, màu của thương nhớ:  
                                        "Ngàn dâu xanh ngắt một màu,     
                                          Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?"
Màu xanh ở đây không còn giống màu xanh của cỏ nội dầu dầu. Nhưng màu xanh này cũng ảm đạm, cũng thê lương. Giữa hai người là sự ngăn cách của ngàn dâu xanh ngắt một màu. Màu xanh trở nên xa vời và ngăn cách. Câu thơ tự sự bỗng chốc trở thành câu thơ chữ tình chứa chan tâm trạng. Nguyễn Du đã tiếp nhận hình ảnh ấy để đưa vào khung cảnh ly biệt giữa Thúc Sinh và Kiều, làm cho cuộc chia tay trở nên bịn dịn, da diết. Cảnh buồn, người buồn, câu thơ như có một sức lan tỏa đặc biệt, khiến cho độc giả ngày nay khi đọc câu thơ cũng không khỏi bùi ngùi xúc động.
Cuộc chia tay nào cũng đến lúc phải xa nhau, phải buồn, mỗi người đôi ngả. Tuy nhiên, nỗi buồn và cô đơn của Kiều ở đây như có lan tỏa mãnh liệt đến từng cảnh vật, cảnh vật nhuốm mầu hiu quạnh. Nàng thương mình lẻ loi, cô đơn "chiếc bóng năm canh", thao thức, thương nhớ, chờ đợi.... Nàng thương Thúc Sinh đi xa "muôn dặm" vất vả, nhưng mình cô đơn "một mình", và một ngày một "xa xôi" thêm:                                                                         
                             "Người về chiếc bóng năm canh,      
                           Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi".    

    "Người về" với "kẻ đi" ở hai phía chân trời. "Chiếc bóng" và "một mình" đều lẻ loi, cô đơn. Đêm "năm canh" đợi chờ như dài ra. "Muôn dặm" với bao thương nhớ như "xa xôi" vô tận. Đêm đêm nàng Kiều thao thức, chỉ có vầng trăng với nàng. Xưa là vầng trăng thề nguyền, chứa chan hạnh phúc, "Đêm nay" chỉ có vầng trăng li biệt, "vầng trăng ai xẻ làm đôi", biết bao đau buồn  thương nhớ!                                                                                               
                                      "Vầng trăng ai xẻ làm đôi      
                             Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường"
Đó là một nỗi cô đơn chia sẻ bao chùm lên toàn cảnh vật. Cảnh vật đó cũng trở nên buồn bã, thê lương. Nên hình ảnh thiên nhiên nào hiện lên cũng cô đơn, lẻ loi. Đặc biệt là hình ảnh “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”, như một tiếng thở dài bất lực của số phận. Đồng thời, hai câu thơ đã thể hiện lòng xót thương của Nguyễn Du đối với số phận và hạnh phúc của Kiều. Qua đấy thấy được ngòi bút tài hoa của ông. Phải chăng Nguyễn Du đã mượn ca dao để nói vân dụng vào câu thơ của mình? Hay tác giả dân gian đã mượn câu Kiều để khơi nguồn thi hứng? Rõ ràng truyện Kiều đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc, đã trở thành lời ru, câu hát dân gian:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng
Đưa nhau một bước lên đàng
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.”
Hình tượng vầng trăng bị ai xẻ làm đôi đã để lại trong lòng ta bao xót thương và ám ảnh. Ở đây cảnh vật được xây dựng bằng bút pháp của hội họa: có sắc màu, có hình ảnh nhưng lại ảm đạm, hiu hắt ? Gợi cảm giác cô đơn rợn ngợp của con người trước cái bao la, mênh mông của không gian; buồn nhưng không bi lụy bởi cuộc chia ly ít nhiều còn có hy vọng. Nghệ thuật tả cảnh với những chi tiết được chọn lọc kỹ càng, chấm phá. Nghệ thuật miêu tả tâm trạng con người khéo léo, sâu sắc, tả cảnh ngụ tình tinh tế, tài tình. Đoạn trích thể hiện ngòi bút tài năng của nhà thơ Nguyễn Du, một thiên tài đỉnh cao nghệ thuật. Đoạn trích được đánh giá ngang tầm với một thiên phú biệt ly. Tác giả đã gạt bỏ những chi tiết tự sự, thay vào đó để thiên nhiên nói hộ tâm trạng của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét