Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Tác giả Lê Lựu

Tác giả Lê Lựu
          Lê Lựu sinh năm 1942 tại một làng ngoài đê sông Hồng, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu (nay là Châu Giang) tỉnh Hưng Yên. Xã Tân Châu là một vùng quê nghèo và không chỉ xã Tân Châu mà cả huyện Khoái Châu trước đây đều nghèo. Đến nỗi cả những vụ lúa thường không đủ để nuôi người, người dân phải trồng thêm củ đao, củ đốt để chống đói tháng ba. Câu ngạn ngữ xưa Oai oái như phủ Khoái xin tương đủ để chúng ta hình dung về cái nghèo của cả vùng quê ấy. Hơn nữa làng quê của Lê Lựu nằm bên đê sông Hồng trước đây chưa được trị thuỷ vào mùa mưa bị ngập lụt lớn. Làng quê của Lê Lựu khá điển hình cho những làng quê của tỉnh Hưng Yên.
            Lê Lựu sinh ra trong một gia đình nhà Nho và cha của ông thuộc thế hệ thứ năm của dòng họ khoa cử nên Lê Lựu được học trường huyện tại thị trấn Khoái Châu. Là con trong gia đình có tám anh em, năm người đã chết vì nạn đói năm 1945, Lê Lựu đã trải qua thời niên thiếu đầy gian nan và khổ cực. Năm mười tuổi ông đã phải lấy vợ. Từ năm lớp một đến lớp bảy ông đã phải dậy nấu cháo rồi mới đi bộ suốt mười cây số đến trường học của huyện.
          Năm 1959, từ phủ Khoái Châu Lê Lựu lên đường nhập ngũ, ở trong quân ngũ, Lê Lựu vẫn tiếp tục học bổ túc và tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chính trong môi trường quân đội và những ngày này, Lê Lựu bắt đầu viết văn, với nhiều tác phẩm ra đời tiếp sau đó. Năm 21 tuổi viết tác phẩm đầu tay là Tết làng Mụa năm 1964 và được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1964.
          Nhờ thành công này mà năm 1965 và năm 1966, ông được học ở trường  Nhà văn của Hội nhà văn Việt Nam nhưng do cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ vào năm 1965 và năm 1966, Lê Lựu phải đi nhiều chuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh. Suốt những năm 1972 và 1973, ông đã trải qua những trận chiến đấu trên rừng, những năm sau đó Lê Lựu ít về nhà
            Sau chiến tranh một thời gian, Lê Lựu về làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm, lúc làm biên tập, khi sáng tác, là một sĩ quan  trong Quân đội và cũng là sĩ quan của làng văn nhưng ông vẫn là người lính binh nhì trong đời thường rất xuề xoà, chân thật và cởi mở…Cuộc sống của Lê Lựu cũng không lấy gì làm bình lặng lắm mà phần nhiều là do hoàn cảnh.
          Giờ đây, Lê Lựu là giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân, ông hiểu thế nào là văn hoá, là doanh nhân và Lê Lựu vẫn tiếp tục viết.
          Lê Lựu xuất thân từ nông thôn, nhưng đó không phải là điều đặc biệt mà cái đặc biệt hơn cả là cái chất nông thôn thể hiện rất rõ, rất đặc trưng ở con người của Lê Lựu từ hình dáng đến kiểu cách “Trông anh nhuôm nhoam, luộm thuộm và lúc nào cũng tất tả, nhếch nhác như một gã thợ cày vừa từ một thửa ruộng ngàu bùn nào đó bước lên. Gương mặt, đầu tóc, quần áo và toàn bộ con người anh đang toả ra mùi bùn đất, mùi nắng gió, bụi bặm của một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Con người ấy có “đắp” com lê, cà vạt, mũ phớt, kính gọng vàng, giày mô-ka, nghĩa là tất cả những trang bị, những phụ tùng tối tân nhất của đời sống đô thị, thì trông anh cũng chẳng ra trí thức, cũng chẳng ra người thành phố” “Lê Lựu như vuông gạch sỉ hay nói đúng hơn –như một tảng đá hộc mà đồng bằng Bắc bộ đã đúc lên. Cái chất quê kiểng đặc sịt này là cái duyên của Lê Lựu, cũng là cái Lê Lựu hơn người. Tiếp xúc với anh, người ta mến ngay. Mà đâu phải chỉ mến, còn “mê”nữa. Lê Lựu thông minh, hóm hỉnh, nói chuyện có duyên và có sức lôi cuốn. Người nghe như bị bỏ bùa, bị thôi miên, bị đánh thuốc lú.”( Thời xa vắng- Tiểu thuyết và phim(2004), NXB Hội nhà văn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét