Esin – “Cha đẻ của bi kịch”
Với những đóng góp to lớn cho nền bi kịch Hy Lạp cổ đại, Esin được coi là “cha đẻ của bi kịch” vì ông không chỉ là người mở đường cho sự ra đời của thể loại này mà còn vì tác phẩm của ông đã đạt tới độ hoàn chỉnh nhất định, phản ánh được những nét nổi bật của cuộc sống, con người và thời đại.
Không khí sục sôi của thời đại, cuộc đời chiến đấu vào sinh ra tử của bản thân khiến văn nghiệp của ông mang một mục đích phục vụ cao quý, tính chất chiến đấu ấy vừa mang cái bi vừa mang cả cái hùng mà con người đương thời không sao sánh kịp. Kịch của ông ra mắt vào đầu thế kỷ V tr.C.N, thời kỳ Aten sống trong vòng hào quang rực rỡ nhất. Trong bi kịch của Esin, ý chí tự do của con người đã vươn lên trên cả số mệnh. Esin qua “Quân Ba Tư” đã nói lên đặc điểm nổi bật thời bấy giờ của người Hy Lạp là “gắn bó với tự do còn hơn với mạng sống …”, và trận Xalamin mà “Quân Ba Tư” đề cập đến là một chiến công oanh liệt của quân Hy Lạp chống quân Ba Tư, một đế quốc lớn của Châu Á. Esin đã mô tả chiến trận này với cái nhìn bao quát và cụ thể mà theo các nhà nghiên cứu còn hơn cả sử gia Hêrôđôt. Chính nghĩa phải chiến thắng phi nghĩa – với sức mạnh của chân lý muôn đời ấy, quân Hy Lạp chỉ có hơn 300 chiến thuyền nhỏ mà đã thắng Quân Ba Tư với hơn 1000 chiến thuyền lớn. Kẻ gieo gió sẽ gặt bão, lời thơ của Esin lồng lồng tinh thần của thời đại, tinh thần tự cường tự chủ không một bạo lực nào có thể dập tắt. Với đề tài nóng hổi của cuộc chiến tranh Hy – Ba, bi kịch Quân Ba Tư của Esin đã gợi lên niềm tự hào dân tộc sâu sắc, không chỉ thể hiện một chiến công oanh liệt của nhân dân Hy Lạp trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Ba Tư mà còn khẳng định chiến thắng của sự văn minh tiến bộ đối với cái giã man lạc hậu.
Cách tả thực đi đôi với phương pháp hư cấu (Quân Ba Tư), giọng văn khi hùng tráng khi trữ tình có sức truyền cảm đối với người nghe người đọc, cách xây dựng nhân vật sống động ghi tạc vào trí óc của người đọc, người xem (Êtêôclơ, Prômêtê), Esin xứng đáng là những “viên gạch vàng” đặt nền móng và trở thành một nhà bi kịch lớn của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét