Thơ văn Nguyễn Công Trứ
Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ có vị trí đáng kể. Nguyễn Công Trứ sáng tác khá nhiều, ông đã để lại một kho thi văn chữ Nôm phong phú, nhưng phần lớn bị thất lạc. Theo tương truyền thì ông sáng tác trên một nghìn bài nhưng còn có khoảng 150 bài, gồm có nhiều thể tài khác nhau. Theo cuốn sách biên khảo của giáo sư Lê Thước ghi nhận: 1 bài phú ( Hàn nho phong vị), 52 bài thơ Đường luật, 21 câu đối Nôm, 2 bản tuồng ( tuồng Tửu hội và Lý phụng công), Hát nói chiếm số lượng nhiều nhất có 63 bài.
Có thể nói, sự nghiệp sáng tác của ông không phải là quá đồ sộ, nhưng những gì ông thể hiện trong tác phẩm của mình có nhiều vấn đề cần phải quan tâm tìm hiểu. Nguyễn Công Trứ bắt đầu sáng tác vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn, một triều đại hết sức phản động, nhưng do được thành lập sau những năm chiến tranh liên miên trong thế kỷ XVIII, trên một đất nước thống nhất, cho nên triều đại này có một điều kiện để mỵ dân, tạo ra một sự ổn định giả tạo cho xã hội. Chính điều đó gây nên ảo tưởng cho một phần số trí thức, nhất là những gia đình phong kiến lớp dưới. Họ hăm hở đi học, đi thi và ra làm quan và Nguyễn Công Trứ là một trong số ấy.
Nghiên cứu thơ văn của Nguyễn Công Trứ chúng ta không khỏi nhận thấy con người cũng như sự nghiệp của ông thật phong phú và phức tạp. Nhất là thấy những khuynh hướng tâm hồn ông thường hiện ra một cách mâu thuẫn. Điều đó nó thể hiện một cách chân thật và cụ thể trên những trang thơ của ông.
Những sáng tác của Nguyễn Công Trứ trong giai đoạn đầu phản ánh tâm trạng của ông và của tầng lớp nhà nho cùng thời như ông. Nguyễn Công Trứ đặc biệt ca ngợi con người hành động, đề cao chí nam nhi, đề cao vai trò của kẻ sĩ theo tinh thần Nho giáo. Nhưng càng về sau, tinh thần đó ngày càng giảm sút, bởi ông nhận ra rằng cái triều đại ông vốn tôn thờ, phụng sự nó không tốt đẹp như ông hằng tin tưởng. Nguyễn Công Trứ muốn phục vụ nhà Nguyễn thì chính nhà Nguyễn lại nghi ngờ ông. Nguyễn Công Trứ muốn làm quan thanh liêm thì có lần triều đình đã bắt tội, hạch sách ông. Ông muốn cải cách xã hội thì phần lớn đề nghị của ông bị bác bỏ… Gia đình ông luôn sống trong cảnh nghèo túng. Chính bối cảnh đó, đã làm cho Nguyễn Công Trứ dần chuyển hướng sáng tác: ông từ bỏ dần những đề tài ca ngợi, khẳng định, để viết những đề tài có màu sắc tố cáo, đã kích xã hội, hàng loạt bài thơ về thế thái nhân tình của ông ra đời. Nhà thơ vạch trần thói đạo đức giả của bọn giàu có, thông cảm với cảnh ngộ của những người nghèo khổ (Vịnh cảnh nghèo, Than cảnh nghèo…), tố cao gay gắt sự tác oai tác quái của đồng tiền (Vịnh nhân tình thế thái, Vịnh đồng tiền …). Những bài thơ tố cáo của Nguyễn Công Trứ không có những hình ảnh, những chi tiết sinh động, cụ thể nhưng do thấm đượm cảm xúc sâu sắc, nên vẫn có sức lay động mạnh. Tuy nhiên khi về già, ông thấy sự phê phán, tố cáo của mình thất bại, không đem lại kết quả như ý muốn, ông tỏ ra chán nản và ông sáng tác nhiều bài thơ có tư tưởng hưởng lạc, thoát ly.
Tư tưởng, thái độ của ông đối với triều đại, đối với đời có sự thay đổi từ say mê hoạt động, hăm hở của một con người có chí hướng mong góp phần giúp vua cứu nước đến chán nản, muốn thoát ly, hưởng thụ cũng có nguyên nhân của nó. Đó là vì, khi thực hiện chí nam nhi của ông vào cuộc đời làm quan, Nguyễn Công Trứ ngày càng va vấp, ông thấy rằng thời thế quả không cho phép ông vẫy vùng ngang dọc. Tư tưởng của ông dần đi đến chỗ bi quan, yếm thế. Danh lợi đối với ông chỉ còn là sự chán nản:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể
( Thoát vòng danh lợi)
Nhìn chung thơ văn của ông nó cũng nói lên phần nào cuộc đời, chí hướng cũng như tư tưởng của con người ông. Thơ văn của Nguyễn Công Trứ hình thành một khuynh hướng mới, nó mang màu sắc thời đại rõ rệt. Đồng thời qua thơ văn của ông, chúng ta thấy con người ông là một khối mâu thuẫn lớn, là một con người chứa đầy những tâm tư và việc làm trái ngược nhau, có lúc thì hăng hái nhập thế cục, nhưng rồi lại có lúc ca tụng cuộc sống nhàn ẩn, có lúc xem danh lợi là vinh, nhưng rồi có lúc xem là nhục, có lúc coi vũ trụ đều là phận sự của mình, nhưng rồi lại có lúc nghĩ đến lại phải giật mình, kinh sợ…Nhưng từ trước đến sau, từ đầu đến cuối những mâu thuẫn đó chỉ là của một con người sống trong một hoàn cảnh xã hội, với một tư cách làm người không hơn, không kém. Vì vậy nghiên cứu Nguyễn Công Trứ, chúng ta phải thấy được hết những mâu thuẫn ấy thì mới có thể hiểu đúng, đánh giá đúng và sâu sắc về con người cũng như sự nghiệp sáng tác của ông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét